Vừa qua, các bác sĩ Đơn nguyên Nam học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.Q. (25 tuổi, trú tại Ninh Bình) đến khám vì “cậu nhỏ” bị ngắn hơn sau biến chứng cắt bao quy đầu.
Theo bệnh nhân chia sẻ, giai đoạn dậy thì, dương vật phát triển bình thường. Một lần xem video trên mạng, Q. thấy da quy đầu của mình chưa lột hết và cần phải cắt. Do đó, anh tới một tiệm xăm bôi tê và làm thủ thuật.
Sau đó, "cậu nhỏ" của Q. bị sưng tấy, loét 0,3cm, chảy mủ ở vị trí khâu vết thương. Do tâm lý xấu hổ, bệnh nhân không dám đi khám, chỉ ở nhà theo dõi, rửa vết thương. Nhận thấy tình trạng không đỡ, Q. tới bệnh viện ở địa phương điều trị và được bác sĩ xử lý nhiễm trùng nhưng dương vật lại ngắn đi. Mỗi lần cương cứng, anh bị đau nên tự ti không dám yêu ai.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văc Đức, Đơn nguyên Nam học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết người đàn ông này bị nhiễm trùng và bị cắt quá nhiều, phần da bao quy đầu còn lại rất ngắn. Vì thế, khi bị loét, các bác sĩ trước đó đã cắt lọc tổ chức đó đi, sau đó khâu lại làm thân dương vật ngắn hơn.
Để xác định chiều dài của dương vật, bác sĩ sẽ kéo căng dương vật hết cỡ (chiều dài dương vật khi cương cứng), nhưng do bệnh nhân bị thiếu da nên chiều dài khi cương bị hạn chế.
Để xử lý cho trường hợp này, bác sĩ đã tạo hình lại da trên dương vật cho bệnh nhân bằng tấm độn sinh học. Miếng độn sinh học đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng.
Qua trường hợp này, bác sĩ Đức khuyến cáo nam giới khi cắt bao quy đầu cần tìm đến cơ sở y tế uy tín, được cấp phép thực hiện. Bệnh nhân gặp biến chứng sau khi cắt bao quy đầu cần được xử lý càng sớm càng tốt, tránh nhiễm trùng lan rộng tới đường tiết niệu, tuyến tiền liệt, thậm chí gây hoại tử vùng kín, suy thận, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.