Rất nhiều chuyên gia nhận định rằng, mặc dù ông Akio Toyoda, cháu nội của ông Eiji Toyoda - người đã sáng lập nên thương hiệu ô tô Toyota, từ chức khỏi vị trí CEO của hãng, nhưng quyền lực của nhà Toyoda vẫn sẽ thống trị hãng ô tô số 1 Nhật Bản.
Việc ông Akio từ chức, theo một số nhận định chỉ đơn giản là một bước đi nhằm giải tỏa những áp lực mà hãngToyota đang đối mặt, khi chậm chân trong việc chuyển đổi và bắt kịp với xu hướng xe điện hiện nay trên thế giới, trở thành mục tiêu công kích của các nhà hoạt động môi trường và những nhà đầu tư xe hơi.
Theo ông Julie Boote, nhà phân tích tại Pelham Smithers Associates ở London cho biết, việc thay đổi nhân sự có thể sẽ không liên quan đến việc thay đổi định hướng mà hãng Toyota theo đuổi. Thay vào đó, nó thiên về việc chuyển giao thế hệ mang tính ổn thỏa để tránh gây hỗn loạn và gián đoạn tới công ty.
Ông Boote cho biết thêm, có khả năng ông Akio vẫn sẽ tiếp tục hoạt động với tư cách như một Chủ tịch trong một thời gian dài nữa và ghi thêm những dấu ấn của mình trong chặng đường phát triển của Toyota.
Ở tuổi 53, ông Koji Sato sẽ trở thành một trong những thành phần hiếm hoi, không thuộc gia tộc nhà Toyoda, nắm giữ quyền lực của hãng ô tô có vị thế hàng đầu trên thế giới. Toyota hiện có tới 60.000 nhà phân phối trong chuỗi cung ứng sản xuất, nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông Sato được cho rằng vẫn còn tương đối trẻ, khó có thể phát huy được sức ảnh hưởng và tiếng nói của mình, trong khi các đời Giám đốc điều hành của hãng, có tuổi đời lớn hơn ông Sato khá nhiều. Điều này là vô cùng quan trọng trong văn hóa của người Nhật Bản.
Koji Endo, nhà phân tích cấp cao của SBI Securities nhận định, có thể Sato trong một vài năm đầu sẽ không đưa ra được nhiều thay đổi mang tính chất chiến lược và thời gian này mang tính chất “học việc”.
Ở Nhật Bản, có những tiền lệ về việc người trong gia tộc hay người thành lập công ty có những ảnh hưởng quá lớn đối với doanh nghiệp, kể cả khi họ đã lùi về hậu trường và nhường lại quyền lực cho người khác.
Điển hình như trong năm 2022, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập hãng sản xuất động cơ điện Nidec đã trở lại với vai trò CEO chưa đầy một năm sau khi từ chức, thay thế Giám đốc điều hành vốn được ông thuê để trở thành người kế nhiệm.
Hay như tại buổi phát sóng trực tuyến trên nền tảng nội bộ của Toyota, ông Toyoda trông vẫn hoàn toàn nắm quyền kiểm soát và thỉnh thoảng lại đưa ra những chỉ dẫn hay nhắc nhở ông Sato, người kế nhiệm mình.
Bên cạnh đó, cũng không phải không có những trường hợp về người ngoài gia tộc nhà Toyoda cũng có quyền ảnh hưởng lớn trong công ty, tiêu biểu như ông Takeshi Uchiyamada, chủ tịch sắp mãn nhiệm của Toyota, vốn được biết tới với thành tích đi đầu, tiên phong trong phát triển mẫu xe Prius.
Ông John Shook, cựu quản lý của Toyota thì cho rằng, Toyota là một tập đoàn đại chúng nhưng lại thích giả vờ như là một công ty gia đình. Và việc ông Akio Toyoda chọn ông Sato để kế nhiệm, chứng tỏ Akio đã nhận thấy đến lúc phải thay đổi.
Hùng Dũng (theo Autonews)