Công nghệ phải kết hợp cùng chuyên gia nông nghiệp

Ông Trần Hữu Quyền cho biết, hiện nay có rất nhiều mục tiêu đặt ra trong nông nghiệp ví dụ như tạo ra sản phẩm sạch, nếu mục tiêu như vậy thì chưa chắc đã cần ứng dụng CNTT. Thế nhưng, CNTT sẽ giúp nông nghiệp có thể tăng hiệu quả sản xuất và truy xuất nguồn gốc rõ ràng; có thể ứng dụng công nghệ để biết được cần bón phân khi nào, phun thuốc trừ sâu ở chỗ nào... Trên thế giới đây gọi là nông nghiệp chính xác vì có khả năng chăm sóc đến từng cây trồng. Tất nhiên, con người hoàn toàn làm được nhưng sẽ tốn rất nhiều công sức. Chúng ta phải đưa công nghệ để giải quyết công việc này. Muốn vậy, phải đưa các cảm biến, công nghệ xử lý hình ảnh, drone hay robot tự hành vào trong thửa ruộng đó để phát hiện sâu bệnh, phun thuốc và chăm sóc cây trồng…

Bên cạnh đó, có thể ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ như chúng ta có thể truy xuất nguồn gốc khi trồng cây thanh long từ khâu bón phân, phun thuốc, thu hoạch… Thậm chí ngay từ khi khách hàng đặt hàng người nông dân là họ hoàn toàn biết được quá trình trồng, chăm sóc và chất lượng sản phẩm này ra sao với độ tin tưởng cao. Như vậy, với mỗi loại sản phẩm nông nghiệp lại có một cách ứng dụng công nghệ khác nhau.

Ông Trần Hữu Quyền phân tích: "Trên thị trường đang có một số quan điểm đồng nghĩa nông nghiệp thông minh với nhà màng, nhà kính… Dưới góc nhìn của tôi thì đó thiên về kỹ thuật trồng hơn chứ không phải đưa ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để tăng hiệu quả và minh bạch nguồn gốc cho ra những sản phẩm chất lượng tốt. VNPT Technology chỉ đưa hạ tầng công nghệ vào nông nghiệp giúp hiện thực hóa các khâu truyền thống đang sử dụng nhân công để tăng hiệu quả".

{keywords}
Ông Trần Hữu Quyền, CEO VNPT Technology cho biết, với điều kiện ở Việt Nam rất khó có thể đưa công nghệ vào các mô hình nông nghiệp đầu tư quá tốn kém mà phải đơn giản đến toàn dân.

CEO VNPT Technology khẳng định, nông nghiệp vẫn cần những chuyên gia để đưa ra cách trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Công nghệ đóng vai trò hỗ trợ nông dân và các chuyên gia nông nghiệp để tăng hiệu quả. Như vậy, cần có một hệ thống bao gồm dữ liệu về chăm sóc cây trồng, vật nuôi được các chuyên gia liên tục cập nhật. Sau đó, đưa trí tuệ nhân tạo để học hệ tri thức này, phân tích dữ liệu rồi đưa ra thông tin khuyến cáo cho người làm nông nghiệp. Đây chính là cách mà nhiều hãng công nghệ trên thế giới đang làm để ứng dụng vào những lĩnh vực của đời sống.

Tìm mô hình ứng dụng công nghệ hướng đến toàn dân

Chia sẻ về mục tiêu khi đưa công nghệ vào nông nghiệp, ông Quyền cho biết, VNPT Technology muốn đưa công nghệ vào nông nghiệp không chỉ dừng lại ở các nhà màng, nhà kính vì đầu tư vào đó rất tốn kém nên không thể triển khai rộng. VNPT Technology muốn tìm và đưa ra mô hình công nghệ hướng đến toàn dân.

"Tại Nhật, người ta đưa vòi nước đến từng ruộng lúa và bơm tự động, nhưng thử hỏi bao giờ chúng ta làm được như vậy? Có lẽ còn rất xa. Vì vậy, các công ty công nghệ cùng với các nhà khoa học cần nghiên cứu để đưa ra mô hình phù hợp với tình hình Việt Nam chứ không thể làm theo những mô hình hiện đại ở nước ngoài. Tuy nhiên, muốn làm được phải có sự trợ giúp của chính quyền. Trong những cây nông nghiệp của mình thì thanh long đang mang lại giá trị xuất khẩu cao, vì vậy chúng tôi xác định hợp tác với các hộ trồng thanh long để đưa ra mô hình phù hợp", ông Trần Hữu Quyền nói.

{keywords}
VNPT Technology đầu tư các nhà màng không phải để làm nông nghiệp theo hướng này mà đây chỉ là dạng phòng thí nghiệm nhằm tạo môi trường cho nghiên cứu đưa công nghệ vào nông nghiệp.

Trả lời câu hỏi vì sao VNPT Technology lại xây nhà màng để làm nông nghiệp? Ông Trần Hữu Quyền cho rằng, VNPT Technology đầu tư các nhà màng không phải để làm nông nghiệp theo hướng đó mà đây chỉ là dạng phòng thí nghiệm nhằm tạo môi trường cho nghiên cứu đưa công nghệ vào nông nghiệp. Giải pháp này của VNPT Technology đã được áp dụng thực tế ở nhiều nơi, điển hình như trang trại Delco Bắc Ninh. Đồng thời, VNPT Technology cũng tự xây dựng một khu nhà màng tại khuôn viên Nhà máy điện tử số 2 của công ty ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ứng dụng giải pháp nông nghiệp thông minh do công ty phát triển vào nuôi trồng thực tế nhiều loại cây khác nhau.

Khu vực nhà màng của VNPT Technology trồng nhiều loại cây như dưa lưới, rau cải, mùng tơi, xà lách… và dự kiến sẽ thêm một số loại cây mới thời gian tới. Trong quá trình nuôi trồng, VNPT Technology áp dụng đầy đủ ứng dụng của giải pháp nông nghiệp thông minh như hệ thống tưới tiêu, chiếu sáng tự động, đo độ ẩm, độ PH… Toàn bộ quá trình tăng trưởng của cây và hoạt động của hệ thống tự động đều được VNPT Technology theo dõi, giám sát chặt chẽ nhằm cải tiến tối ưu; đồng thời bổ sung thêm những tính năng, hệ thống cần thiết trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi thực tế, tiến tới hoàn thiện giải pháp nông nghiệp thông minh của công ty.

CEO VNPT Technology cho hay, VNPT đang tìm nhiều đối tác làm trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi để cùng nhau xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ, sau đó nhân rộng ra ngoài xã hội.

Thái Khang

Chủ tịch FPT: “Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có”

Chủ tịch FPT: “Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có”

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình kỳ vọng Việt Nam sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có, là quốc gia hiện đại nhất về ngành nông nghiệp chứ không phải quốc gia chấp nhận đi sau.