Gia đình tôi có một ngôi nhà 3 gian bằng gỗ lim. Cha tôi gọi ngôi nhà ấy là "lậm". Đặc điểm của ngôi nhà này là tuy cột nhà rất cao nhưng các xà ngang (quê tôi gọi là “hạ nhà”) được đặt rất thấp. Trần nhà và bốn xung quanh được ghép bằng ván tốt, rất dầy, tạo thành một cái “lậm” gỗ chứa được khoảng hai chục tấn thóc.

Phía dưới đáy cái "kho thóc" ấy có khoét các lỗ tròn cỡ bằng cổ tay người lớn, có thiết kế nắp đậy rất khoa học. Khi cần lấy thóc, cha tôi tháo cái nắp ấy ra thì tự khắc lúa từ trong “kho” cứ thế mà tuôn chảy xuống.

{keywords}
 Người cha quá cố của tác giả

Hồi còn nhỏ, tôi rất thích nhìn cảnh cha tôi xả thóc như vậy. Những người ngoài khi vào nhà tôi thì không thể biết được gia đình tôi có nhiều hay ít thóc. Nhưng có lần một người bạn của cha tôi từ xa đến chơi, ông ta đã khôn khéo dùng cái gậy của mình chọc mấy nhát lên trần nhà (tức là đáy của cái kho thóc) rồi bảo:

- Nhà ông còn nhiều thóc hè!

Nhà làm hoàn toàn bằng gỗ lim nên không những nó rất chắc mà còn rất vững chãi. Đã thế lại còn có hàng chục tấn thóc đè nặng xuống nên ngôi nhà của chúng tôi không bao giờ bị gió bão làm lung lay. Đó là lý do vì sao mỗi lần có bão lớn thì dân làng tôi thường đến trú nhờ ở nhà tôi. 

Đến nay ngôi nhà này đã trên trăm năm tuổi nhưng các cây cột, kèo, xà ngang, xà dọc vẫn cứng như sắt, mối, mọt không thể nào gặm được. Đó là ngôi nhà từ đường của đại gia đình tôi.

* * *
Hồi còn nhỏ, tôi rất tự hào về cái "đèn bão" của gia đình tôi mà khắp vùng không ai có. Gọi nó là "đèn bão" vì tuy là đèn thắp bằng dầu hoả nhưng kể cả trong gió bão nó cũng không bị tắt.

Cha tôi bảo rằng thời Pháp thuộc những chiếc "đèn bão" như vậy được thắp lên ở ga tàu hoả vì nó không bao giờ bị tắt, dù mưa bão to đến mấy.

Cấu tạo của cái đèn này gồm ba phần chính: Phần đựng dầu và bức đèn (cha tôi gọi nó là cái "hạnh đèn") ở phía dưới; tiếp đến là cái "chụp đèn" bằng thủy tinh, hình thù như trái bù rợ (bí ngô) hoặc cái đèn lồng Trung thu ngày nay, là bộ phận giữ cho ngọn đèn không bị tắt; trên cùng là bộ phận thông phong, bằng sắt tây.

Điều kỳ lạ ở chỗ: khi thắp đèn lên thì không khí vẫn chui vào được từ phía cái “hạnh đèn” thông qua những lỗ nhỏ để duy trì sự cháy nhưng dù gió mạnh đến cấp mấy thì khi vào trong bóng đèn tốc độ gió sẽ bằng 0 nên ngọn đèn vẫn đứng im phăng phắc.

Tôi còn nhớ mỗi lần dân làng có việc lớn như: họp xóm (cha tôi là trưởng ban cán sự xóm), đám cưới..., đều phải mượn cha tôi chiếc "đèn bão" để thắp.

Mỗi lần như vậy, cha tôi vì nể mà cho mượn nhưng ông cứ dặn đi, dặn lại người mượn đèn là phải giữ gìn hết sức cẩn thận. Ông còn hướng dẫn người mượn đèn là phải treo đèn lên cao quá đầu người để không ai vô ý mà cụng đầu vào đèn, phải treo đèn ở nơi an toàn không có mèo, chuột nhảy đụng vào…

Cha tôi cẩn thận như vậy là bởi nếu cái chụp đèn ấy mà bị vỡ thì coi như vứt cả cái đèn vì không ở đâu sản xuất được cái chụp như vậy. Rất tiếc, về sau cái chụp đèn cũng bị vỡ một miếng to bằng bàn tay, do HTX mượn đèn của cha tôi để trục lúa ở kho và ai đó đã vô tình làm cái nạng trở rơm va vào nó.

Cha tôi xót của lắm. Ông lấy một miếng giấy dán vào chỗ vỡ của cái chụp đèn để gió không vào được, nhưng trông nó xấu xí lắm. Về sau thì chiến tranh, bom đạn triền miên nên cha tôi cũng chẳng buồn lo giữ gìn cái đèn bão ấy nữa.

***

Chiếc đồng hồ báo thức hiệu Rado: Một buổi chiều, như thường lệ, tôi chăn trâu ở bãi "cửa chùa" thì trông thấy cha tôi đi đâu đó về. Nhìn thấy tôi, cha dừng lại và gọi tôi đến. Khi tôi vừa chạy đến gần cha thì nghe tiếng kêu reng reng phát ra từ một vật gì đó trên tay cha tôi.

Thấy tôi ngạc nhiên và thích thú, ông cười. Thì ra đó là chiếc đồng hồ báo thức hiệu Rado của Pháp mà cha tôi vừa mới mua được. Về sau, cha tôi kể rằng ông phát hiện ra chiếc đồng hồ này từ lâu ở nhà ông Vạn (ở xã Đức Hoà) và ông quyết tâm theo đuổi để mua bằng được.

Đó là chiếc đồng hồ báo thức đầu tiên có mặt tại xóm tôi. Nó có hai kim, mặt hình tròn và to bằng chiếc bát con. Đặc biệt nhất - tiếng chuông báo thức của chiếc đồng hồ này là thứ âm thanh được phát ra từ cái nắp đáy phía sau làm bằng đồng nguyên chất và một cái dùi nhỏ cũng bằng đồng có gắn lò xo gõ liên hồi vào cái nắp đáy mỗi khi đến giờ hẹn báo thức.

Cha tôi quý chiếc đồng hồ này đến mức ông cho đóng một chiếc hộp gỗ rất chắc chắn, có khoét một ô tròn đúng bằng mặt của chiếc đồng hồ rồi ông để đồng hồ vào trong đó.

Mỗi lần lên giây cót đồng hồ bao giờ cha tôi cũng vặn từ từ, vừa đủ số vòng nhất định, không thừa cũng không thiếu. Ấy thế nhưng mỗi khi cha tôi đi vắng tôi thường cho nó đổ chuông để nghe cho vui tai.

Ở cạnh nhà tôi (cách chừng dăm chục mét) là nhà ông Cung. Nhà ông Cung có rất nhiều chè xanh nên ông thường gánh chè xanh đi bán ở chợ Hôm (chợ thị trấn) cách nhà bảy cây số. Cứ buổi tối, ăn cơm xong là ông Cung đứng ở bên vườn nhà mình gọi với sang nhà tôi để nhờ cha tôi đặt đồng hồ báo thức cho ông vào lúc 3h sáng. Đến giờ đó, đồng hồ nhà tôi đổ chuông thế là ông Cung ở bên nhà vẫn nghe được để dậy đi chợ.

***

Có lẽ thứ tài sản của gia đình mà tôi lấy làm hãnh diện nhất đó là chiếc thuyền ván (quê tôi gọi là nốc ván). Cái nốc ván này cũng được cha tôi mua lại từ một nhà giàu nào đó trong vùng. Nó dài cỡ chục mét, rộng nhất là ở khoảng giữa (gọi là bụng nốc) chừng 1,2 mét. Nghĩa là ở chỗ đó có thể ba người ngồi theo hàng ngang là vừa. Hai đầu thuyền nhỏ thon dần. Phía đàng mui nhỏ hơn đàng lái một chút, nhưng không nhỏ đến mức thành mũi nhọn như một số thuyền ván miền Bắc. Thứ ván dùng để đóng nó nghe đâu là ván "bộp", một thứ gỗ rất tốt, hiếm có.

Nhà tôi ở vốn nằm dọc theo chân núi, vị thế rất cao, chưa bao giờ bị ngập lụt. Ấy thế mà cha tôi quyết định mua cái "nốc ván" thì kể cũng lạ.

Nhưng cha tôi không bao giờ phung phí tiền để mua một thứ gì đó ít có tác dụng. Nhà tôi vốn có nhiều đất màu để trồng khoai, trồng lạc... mà những khu đất ấy lại nằm ở vùng thấp dễ bị ngập lụt.

Chỉ cần một đêm mưa lớn sáng hôm sau nước lũ đã dâng ngập đồng. Nhiều gia đình đành phải đứng khoanh tay kêu trời vì ruộng khoai bị ngập lụt mà không kịp dỡ. Khoai mà ngập nước lụt, nhất là nước đục thì sau khi nước rút sẽ bị thối hết. Riêng nhà tôi không lo. Trong trường hợp đó, cha tôi huy động tất cả các anh chị em chúng tôi ra đồng dỡ khoai.

Việc vận chuyển thì đã có nốc ván. Tuy nhiên, ngoài việc chở khoai cho nhà tôi, cha tôi còn chở giúp các gia đình khác, thậm chí là có "thù lao" hẳn hoi. Nhưng công lao của chiếc nốc ván không chỉ có thế. Quê tôi hồi những năm 50, 60 (thế kỷ trước) năm nào cũng có vài trận lụt vào mùa thu. Những trận lụt như vậy là một thảm họa đối với cả vùng.

Tôi còn nhớ trận lụt lớn nhất là năm 1960. Khi đó, nhà cậu tôi bị nước lụt cuốn trôi cả nhà và toàn bộ tài sản. Cậu, mợ tôi và các em tôi khóc như ri. Nhiều gia đình khác cũng bị cảnh như cậu, mợ tôi.

Những lúc đó cha tôi cùng chiếc "nốc ván" lại trở thành biểu tượng anh hùng. Cha tôi bảo rằng cha tôi chèo nốc đi từ làng nọ đến làng kia, đến đâu cũng nghe tiếng kêu cứu người, cứu tài sản. Trận lụt đó cha tôi vớt được khá nhiều đồ quý như chum, nồi đồng, bàn ghế, tủ... của dân bị nước lũ cuốn trôi.

Sau lụt các gia đình bị mất của tìm đến nhà tôi để nhận về. Nhiều người cám ơn cha tôi lắm. Từ đó về sau cứ hễ có lụt là cha tôi cho khiêng chiếc nốc ván từ trong nhà, nơi ông cất giữ rất cẩn thận đưa ra thả để nhỡ có việc cứu lụt. Nhưng không phải trận lụt nào ông cũng thả nốc mà phải là những trận lụt to cơ. Tôi, ngày ấy trẻ con, năm nào cũng mong có lụt to để cha tôi thả nốc và hãnh diện nhìn cha tôi chèo nốc đi hiên ngang giữa những cánh đồng nước ngập mênh mông, trắng xóa.

Trần Thất

Mời độc giả tham gia gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng!

Cha tôi giàu có một thời nhờ cần kiệm, dạy con rất nghiêm khắc

Kỳ 1: Cha tôi giàu có một thời nhờ cần kiệm, dạy con rất nghiêm khắc

Hôm nay là ngày giỗ thứ 21 của cha. Tôi quyết định trong ngày này sẽ dành chút ít thời gian hồi tưởng về cha như là một cách tri ân Người.