Tại hội thảo "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" chiều nay diễn ra phiên thảo luận về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa.
Các tham luận khẳng định hệ giá trị văn hóa gồm các thành tố: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc - là những giá trị cốt lõi, phản ánh khát vọng của cả quốc gia.
Điểm tựa tinh thần
GS.TS. Trần Quốc Toản - ủy viên Hội đồng lý luận trung ương nhấn mạnh: “Một quốc gia cần có những giá trị làm cơ sở kinh tế - chính trị - xã hội cho sự phát triển. Hướng tới các mục tiêu phát triển mới, cao hơn, cần có các giá trị mang tính mục tiêu, khát vọng, nhất là trong những bước phát triển có tính bước ngoặt, bứt phá...”.
Theo GS.TS. Từ Thị Loan, việc xây dựng các hệ giá trị là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Đại hội Đảng 13 đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
"Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta cần xác định hệ giá trị quốc gia chuẩn xác, phù hợp, có sức thuyết phục để cổ vũ, dẫn dắt, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp nhân dân. Việc củng cố, xây dựng hệ giá trị quốc gia cũng rất phù hợp, giúp bồi đắp lòng yêu nước, nâng cao ý chí độc lập, tự cường, giữ vững biên cương, lãnh thổ, bảo vệ an ninh, quốc phòng…", bà Loan chia sẻ.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu thực trạng hiện nay nhiều người quan niệm rằng: “Tiền là tiên là phật, tiền trong túi ai thì vầng hào quang tỏa trên đầu người đó” đã khiến nhiều giá trị bị đảo lộn.
Theo ông, để giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học, cần nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý, đội ngũ văn nghệ sĩ; phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Phát huy vai trò, sứ mệnh của văn học nghệ thuật trong xây dựng hệ giá trị.
Đồng quan điểm, GS.TS. Trần Văn Phòng - nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn xây dựng cho mình một hệ thống giá trị nhất định. Hệ giá trị quốc gia vừa như là đích đến vừa như là tiêu chuẩn để đánh giá ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng đối với cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia, được thừa nhận, trở thành điểm tựa tinh thần để mọi cá nhân, cộng đồng xã hội và cả quốc gia hướng tới và hành động theo.
"Nói tới giá trị quốc gia là nói tới giá trị tích cực, thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại. Cần xây dựng lộ trình triển khai 4 hệ giá trị này", ông Phòng đề nghị.
Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, các đơn vị, địa phương tập trung nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng vùng nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ... tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương về những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị đã được đề cập tại hội thảo.
Quyết Thắng, Hữu Khôi, Nguyễn Doanh