Hiểu nhầm ngày ra mắt
Anh Phan Hồng Sơn (SN 1982, quê Nghệ An) và chị Đặng Thị Huệ (SN 1984, quê Hải Dương) kết hôn vào năm 2009. Anh chị chọn bám trụ Hà Nội và lập nghiệp với nghề kỹ sư xây dựng.
Sau 15 năm sống chung, vợ chồng anh Sơn có 3 người con, đủ nếp đủ tẻ. Khoảng thời gian này cũng đủ dài để hai người rành rẽ ưu khuyết điểm của nhau.
Dù vậy, sự tinh tế, tình cảm của anh Sơn đã duy trì mái ấm gia đình luôn vui vẻ và hạnh phúc. Không chỉ tròn vai người chồng người cha, anh còn là chàng rể thảo hiền, xông xáo.
Một lần đến nhà thầy chủ nhiệm thời đại học, anh Sơn gặp chị Huệ và trúng tiếng sét ái tình. Từ hôm đó, chị đã tin tưởng, đồng ý cho anh chở về ký túc xá và bắt đầu chuyện tình.
Lúc quyết định kết hôn, anh Sơn theo người yêu về ra mắt bố mẹ vợ tương lai. Anh cảm nhận ông bà hiền lành và nhẹ nhàng. Họ tiếp bạn của con gái như tiếp khách, không quá vồ vập hoặc cứng nhắc.
Bây giờ, anh Sơn vẫn nhớ mãi một kỷ niệm vui trong ngày “diện kiến” bố mẹ bạn gái. Đó là lúc ăn cơm, bố chị Huệ mời anh một ly rượu ngâm thuốc bắc. Có thể, ông ngâm lâu ngày, rượu hả hết hơi, uống có vị nhạt. Thế nên, anh Sơn góp ý chân thành: “Chú ngâm rượu thuốc bắc nên mua rượu nồng độ cồn cao để ngâm ra vị thuốc, ngâm rượu nhạt phí thuốc bắc”.
Không ngờ, sáng hôm sau, chị Huệ đang nhóm lò đun nước thì được bố gọi ra sân nói nhỏ: “Con kiếm đâu ra người yêu “thần bia đại rượu” như vậy. Rượu ngâm thuốc bắc nặng thế mà nó bảo rượu nhẹ”.
Chị Huệ giải thích nhưng ông có vẻ chưa tin. Về phần mình, anh Sơn cũng không tiện giải thích. Anh không lăn tăn lo nghĩ, chẳng sợ bố vợ mất thiện cảm. Ngược lại, anh tin cách sống chân thành, thẳng thật thì sớm muộn bố vợ sẽ hiểu và yêu thương.
Từ lúc xác định cưới chị Huệ, anh Sơn đã xem bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ. Anh suy nghĩ đơn giản: “Tứ thân phụ mẫu đều có công sinh thành dưỡng dục. Bố mẹ vợ đã sinh ra người bạn đời cho mình nên mình yêu thương, phụng dưỡng bố mẹ đẻ bao nhiêu thì cũng phụng dưỡng bố mẹ vợ như thế.
Mình sống thế nào, đối đãi nhà vợ ra sao thì vợ nhìn vào đó, sẽ làm tương tự với nhà chồng”.
Nhiều người quan niệm rể là khách, đến nhà vợ phải ngồi phòng khách uống trà, chờ bố mẹ vợ mời cơm. Anh Sơn nghĩ khác. Anh cho rằng, đã là con đều như nhau hết, không giữ kẽ, quan cách gì cả.
Về nhà bố mẹ vợ, anh thấy điện nước hỏng thì xắn tay vào sửa, lắp thêm bóng đèn, kê lại đồ đạc để người già thuận tiện lấy.
Mỗi lần có kế hoạch về thăm nhà vợ, anh Sơn thường chu đáo dặn vợ chuẩn bị sữa, hoa quả ngon và tiền để biếu bố mẹ. Việc này lâu dần thành nếp, vợ anh lo lắng chu toàn, anh không phải nhắc nhở.
Rể về, bố mẹ vợ được “vỗ béo”
Ngoài giúp bố mẹ vợ vài việc vặt trong nhà, anh Sơn còn có một công việc yêu thích khác là đi chợ, nấu ăn.
“Lần nào về thăm bố mẹ vợ, tôi cũng là người lên thực đơn và làm đầu bếp cho cả nhà”, anh Sơn hào hứng nói.
Dù có sở thích nấu ăn nhưng cuộc sống ở Hà Nội bộn bề công việc, anh Sơn ít khi đi chợ. Về quê vợ, anh có nhiều thời gian hơn nên không bỏ lỡ cơ hội làm điều yêu thích.
Trời có mưa lạnh, anh cũng dậy sớm dạo một vòng chợ quê. Anh không lên thực đơn sẵn mà thấy gì tươi ngon là mua về chế biến.
Mùa đông năm ngoái, anh tự đi chợ, nấu món lẩu ếch măng cay đãi cả nhà vợ. Anh nhờ người bán sơ chế, rồi mang về rửa sạch, tẩm ướp với nghệ tươi.
Tiếp đó, anh đem ếch chiên vàng bằng mỡ lợn. Mùi ếch chiên mỡ lợn thơm nức mũi khiến người lớn trẻ nhỏ đều nhấp nhổm đợi cơm.
“Tôi mua măng về thái nhỏ bỏ đoạn già, luộc với một ít muối. Luộc lần 2, tôi đập thêm củ nghệ tươi vào cùng thì màu măng sẽ vàng bắt mắt hơn.
Tôi dùng mỡ lợn xào măng đã luộc kèm mấy quả ớt. Bắc một cái chảo khác phi hành tỏi, sả cho thơm rồi cho ếch đã rán vàng, măng xào vào trộn cho ngấm gia vị.
Nước lẩu hầm xương, dùng cà chua làm màu, cho ít mẻ hoặc dấm bỗng cho dậy mùi. Tôi ra vườn hái xà lách, kinh giới, tía tô, hoa chuối…để nhúng lẩu.
Phải nói, món lẩu ếch này ăn vào tiết trời lạnh rất hợp. Tôi cùng bố vợ và các anh em nhà vợ được bữa vui say, đong đầy tình cảm”, anh Sơn tâm sự.
Trong bữa cơm, các thành viên hỏi thăm nhau về sức khỏe, khoe chút thành tích đạt được trong năm. Tranh thủ lúc đoàn viên, bố mẹ vợ của anh Sơn nhắc nhở con cháu đoàn kết, cư xử văn minh, đối nhân xử thế dung hòa.
Ngoài món lẩu ếch măng cay, anh Sơn còn làm nhiều món ngon khác đãi bố mẹ vợ. Ông bà đã dùng qua các món ốc móng tay sốt bơ tỏi, cua biển rang me, gà hấp muối, vịt om sấu, lươn om chuối đậu, lẩu rươi… do con rể chế biến. Mỗi lần thưởng thức, hai người già đều tấm tắc khen tài nấu ăn của chàng rể U50.
Anh Sơn chia sẻ: “Không phải mình không có điều kiện ra ngoài nhà hàng ăn uống mà thực ra, thực phẩm ở ngoài đâu tươi ngon bằng mình tự mua. Với lại, tôi biết tính ông bà tiết kiệm, không muốn con cái tốn kém.
Vợ chồng con gái ở xa, lâu lâu mới về một lần. Ông bà cũng muốn quây quần ăn uống, sum họp gia đình cho nhà cửa ấm cúng. Tôi chỉ thương các chị em rửa bát vất vả thôi”.
Anh Sơn còn chu đáo đến mức hiểu được thông thường bố mẹ vợ ở nhà ăn uống đơn giản, phù hợp với tiêu hóa của người lớn tuổi. Khi con cháu về, để không khí vui vẻ, không phụ công nấu nướng của con rể, ông bà ăn theo các món nhiều đạm. Nhưng các món nhiều đạm thường gây khó tiêu.
Lo cho sức khỏe của bố mẹ vợ, anh Sơn giảm dần các món béo ngấy. Thay vào đó, anh chuyển sang nấu những món ngon thanh đạm, tốt cho người cao tuổi.
Trong cuộc sống vợ chồng, anh Sơn chủ động lo toan, nhường nhịn vợ, cốt để trong ấm ngoài êm.
“Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm, giận dỗi. Thế nhưng, chúng tôi chọn cách vun vén, tự giải quyết mâu thuẫn, không để bố mẹ vợ lo nghĩ.
Cơm không lành canh không ngọt thì người phụ nữ luôn chịu thiệt thòi, bố mẹ vợ bận lòng nhiều hơn. Vì vậy, mình phải sống vui, chan hòa để ông bà sống thêm trăm tuổi”, anh Sơn chia sẻ.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
VietNamNet giới thiệu tuyến bài Những chàng rể "vàng mười". Mời quý độc giả đón đọc và đóng góp câu chuyện về chàng rể của gia đình mình. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. |