Quê nội vợ tôi ở làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn (trước đây thuộc huyện Quảng Trạch), tỉnh Quảng Bình. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, nối giữa vùng chiến khu kháng chiến và vùng địch tạm chiếm trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nơi đây là tuyến đầu, đóng góp sức người sức của, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, sát với các tuyến giao thông huyết mạch trục dọc Bắc - Nam quốc lộ 1A và trục ngang Đông - Tây quốc lộ 12A, có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, là xã Anh hùng các lực lượng vũ trang.
Quảng Trung nổi tiếng với nhiều món ăn ngon như bánh mè xát, bánh xèo, bánh đa mè, bánh canh làm bằng bột gạo đỏ nấu với cá hay tôm, bánh tráng xúc con chắt chắt (một loại hến nhỏ) hương vị đặc sắc, ngọt ngào mà chỉ ăn một lần là ghiền ngay. Còn nước mắm thì khỏi phải nói, thơm ngon đặc biệt.
Khi bố vợ tôi còn sống ở Hà Nội, lâu lâu em Hường, con chú Ảnh, em út của ông, lại gửi đồ ăn ở quê ra bằng xe lửa hay xe đò để ông dùng, đỡ nhớ quê hương.
Cách Quảng Trung 5km là xã Quảng Hòa quê ngoại vợ tôi, trước là cùng huyện, nay cùng thị xã. Những năm 1980 - 1990, khi cùng bà Nguyễn Thị Lan, mẹ vợ tôi về quê, vợ chồng chúng tôi thường đi bộ cùng bà từ quê nội qua quê ngoại.
Nhà của ông bà nội, nơi bố vợ tôi, nguyên Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên sinh ra nằm cách chợ Sải bên bờ sông Gianh hơn 100m. Giờ đây, khi các con đã mất, các cháu nội, ngoại thì ở xa, ngôi nhà gỗ ba gian hai mái ngày xưa đã trở thành từ đường của dòng họ, nơi thờ tự tổ tiên.
Chợ Sải vốn là chợ cổ đã có từ nhiều thế kỷ, nay vẫn là trung tâm giao thương, buôn bán lớn ở vùng Nam huyện Quảng Trạch cũ, nay là thị xã Ba Đồn vì giao thông thủy, bộ vô cùng thuận tiện, cứ 10 ngày thì có 3 phiên chợ.
Con sông Gianh chảy qua làng bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn rồi đổ ra biển Đông ở cửa Gianh, đem lại nguồn lợi thủy sản, giao thông nhưng cũng thường xuyên bị lũ lụt mùa mưa bão. Cứ vài năm lại có trận lụt lớn, nước chảy cuồn cuộn, dâng cao ngang cửa sổ nhà, gây nhiều thiệt hại cho người dân trong vùng.
Ngôi nhà cổ của các cụ mới được người cháu nội Nguyễn Thành Huế trùng tu, nâng nền để khi nước lũ về thì bị ngập ít hơn. Chiếc cột gỗ lim nơi còn lưu lại vết chém bằng dao của tên quan đội Pháp cùng lý trưởng lúc bực tức vì không truy bắt được những người yêu nước ngày trước vẫn còn đó.
Còn ngoài sân là chiếc bia đá của ngành văn hóa tỉnh ghi nhận ngôi nhà là di tích lịch sử cách mạng. Năm 1937, đây là nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của làng Trung Thôn, tiền thân của Đảng bộ xã Quảng Trung ngày nay.
Em Huế đã dành hẳn một gian bên phải để làm phòng lưu niệm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nơi có bức tượng bán thân của ông - tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường; bức tranh Trung tướng đang trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, Đoàn 559 vào ngày 19/5/1999 do nữ họa sĩ Trần Thị Trường sáng tác và một số kỷ vật của gia đình.
Cuối tháng 2/2023, địa phương tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, một trong những danh tướng của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trong lúc chở chúng tôi về quê, anh họ vợ tôi là Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 kể, Quảng Bình là nơi chiến tranh ác liệt nhất miền Bắc, chẳng khác gì chiến trường thực thụ. Máy bay Mỹ đủ loại, từ B-52 đến F-111A, ném bom từ trên trời xuống, pháo hạm từ 76 đến 406 ly bắn từ tàu chiến của Mỹ ở ngoài biển vào.
Theo số liệu của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình mà chúng tôi mới ghé thăm, đế quốc Mỹ đã ném tổng cộng hơn 1,5 triệu loạt bom đạn. Mỗi km2 đất hứng chịu gần 160 quả bom... Toàn bộ 133 xã, 459 thôn xóm bị đánh phá, hơn 13.000 người chết, hơn 22.00 người bị thương.
Trong những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt nhưng hào hùng đó, khi người dân nơi đây “tay cày tay súng, bám làng mà chiến đấu, bám đồng ruộng mà sản xuất, bám hố bom mà thâm canh”, lấy “hợp tác xã là pháo đài, chi bộ là cốt thép, xã viên là chiến sỹ”, Nhà nước cho phép mỗi gia đình gửi một con nhỏ ra ngoài Thanh Hóa, Ninh Bình sơ tán để giữ nòi giống, ăn học do Nhà nước nuôi ở K10.
Anh tôi kể, trong chiến tranh, cơm chỉ để dành cho người ốm, người khỏe chỉ có khoai và sắn, mà cũng không đủ khoai và sắn nữa. Người dân khổ vô cùng. Chồng bộ đội, vợ giáo viên nên lại càng nghèo, chẳng có thu nhập gì ngoài lương của vợ và phụ cấp của chồng, xe đạp cũng không có mà đi.
Ấy thế mà trong 7 người con của ông bà ngoại thì cả 5 người con trai đều vào quân ngũ, có mặt ở khắp các chiến trường. Rồi con cái của họ cũng tiếp nối truyền thống đó, phần lớn vào bộ đội, ở nhiều quân binh chủng khác nhau.
Giờ thì lớp cha chú đã mất, thế hệ kế tiếp cũng đã ngoài 50, 60, có anh đã trên 70 tuổi, sau khi phục vụ đất nước về nghỉ hưu ở quê hay ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu… Anh em chỉ được gặp nhau mỗi khi có việc lớn của dòng họ, gia đình.
Gặp chúng tôi ở nhà thím Ảnh, bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Tố cho biết, ngày nay làng Trung Thôn cũng như xã Quảng Trung đã có diện mạo của một xã nông thôn mới, được công nhận năm 2017. Các tuyến đường đường ngõ, xóm được cứng hóa, kết nối với hệ thống giao thông trục dọc mang tên tỉnh lộ 559 được xây cống ngầm, bê tông hóa chạy dọc xã. Bên ngoài làng là tuyến đường bê tông với mắt cắt 9,5m vừa được xây dựng xong nối với vùng Nam thị xã Ba Đồn.
Các công trình thủy lợi gồm bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu được thường xuyên tu bổ, sửa chữa, nâng cấp đáp ứng yêu cầu dân sinh và phòng chống thiên tai tại chỗ. Nhà ở của người dân được xây dựng, chỉnh trang khang trang. Sản xuất phát triển, thu nhập bình quân của người dân đạt mức trung bình cao của thị xã.
Mỗi lần về quê ngoại là một lần háo hức được gặp lại anh chị em họ hàng thân thiết, được ngồi lại với nhau để kể những câu chuyện, giai thoại lý thú về các cụ, các bác, các chú ngày xưa. Tình cảm sau những ngày tháng xa cách như thể bùng nổ với những câu chuyện bất tận về quê hương, truyền thống đấu tranh, chiến đấu trong chiến tranh và xây dựng thời bình.
Thế mới biết, mỗi người Việt Nam nặng lòng với quê hương biết bao và quê hương có ý nghĩa với chúng ta như thế nào. Đó là truyền thống tốt đẹp biết bao đời nay của người dân đất Việt cần được gìn giữ và phát huy.
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải. Trân trọng cảm ơn! |
Trần Văn (đại biểu Quốc hội khóa 12,13)