Không biển hiệu, không quy mô hay quảng cáo rầm rộ nhưng tiệm bánh tráng nướng “di động” của Lê Đình Duy (31 tuổi, quê Phú Quốc, Kiên Giang) và Nan (tên thật là Winnisa Sodwilai, 31 tuổi, quốc tịch Thái Lan) ở tỉnh Surat Thani, Thái Lan luôn đông kín khách.
Điều đặc biệt là tiệm không có địa chỉ cố định, thường xuyên thay đổi theo ngày và chỉ bán khoảng 2 - 3 tiếng/ngày.
“Chúng mình có bán bánh tráng nướng ở Bangkok và một số tỉnh lân cận nhưng chủ yếu vẫn là tại các khu chợ trên địa bàn tỉnh Surat Thani như chợ Kanchanadit, chợ Bannadoem, chợ Kim Cương,...
Chợ ở đây chủ yếu họp theo phiên nên tùy từng hôm mà hai vợ chồng sẽ bán ở các địa điểm khác nhau”, Duy kể.
Theo chàng rể Việt, thay vì buôn bán tại một khu vực cố định, tiệm bánh tráng nướng “di động” giúp họ tiếp cận được khách hàng ở nhiều vùng miền hơn.
“Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để hai vợ chồng giới thiệu và lan tỏa rộng rãi món ăn Việt Nam tới người dân khắp các tỉnh thành ở Thái Lan”, 9X nói thêm.
Trước đây, Duy và Nan từng mở sạp hàng vỉa hè, bán món chả giò (nem rán) ở Bangkok nhưng sớm đóng cửa vì vắng khách. Họ tiếp tục thử một số món ăn khác của Việt Nam như bún bò xào, ốc, bánh xèo,… song vẫn không khả thi.
“Khi món bánh tráng nướng Việt Nam được nhiều người Thái Lan biết đến và gây ‘sốt’ trên mạng xã hội, chúng mình quyết định chuyển sang bán thức quà vặt này.
May mắn thay, món ăn được đông đảo người dân xứ chùa Vàng yêu thích và tiệm bánh tráng nướng của hai vợ chồng từ đó trở nên đông khách hơn”, Duy nhớ lại.
Trước khi mở bán, Duy phải tự mày mò, tham khảo cách làm món bánh tráng nướng từ các video hướng dẫn trên mạng, rồi thử nghiệm nhiều lần để cho ra được công thức phù hợp nhất.
Về bánh tráng, chàng trai Kiên Giang chọn loại bánh tráng nghệ nhập từ Đà Lạt rồi gửi sang Thái Lan. Loại bánh tráng này có độ dày vừa phải, khi chế biến vẫn đảm bảo giòn, thơm, màu sắc hấp dẫn.
Còn với phần nhân, 9X sử dụng các nguyên liệu quen thuộc như thịt bằm, xúc xích, thanh cua, hành lá,… sau đó nêm nếm sao cho phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương.
Ban đầu, vợ chồng Duy - Nan bán bánh tráng nướng ở khu vực các trường học, được học sinh bản địa ủng hộ nhiệt tình. Sau đó, họ chuyển địa điểm sang các khu chợ dân sinh để phục vụ người lao động và du khách.
“Vì chợ ở Thái Lan thường họp theo phiên, tiểu thương muốn bán hàng phải bốc thăm lấy số nên địa điểm bán hàng của chúng mình không cố định, thay đổi theo ngày.
Mình may mắn chọn được những vị trí đẹp trong chợ nên lượng khách biết đến và tìm tới cũng đông hơn”, Duy cho hay.
Chàng rể Việt cũng tiết lộ thêm, để đảm bảo sức khỏe, cặp đôi chỉ chuẩn bị lượng nguyên liệu phù hợp để bán trong khoảng vài tiếng, thay vì bán cả ngày. Có hôm khách đông, họ hết hàng và đóng cửa sớm chỉ sau 1-2 tiếng.
Món bánh tráng nướng được cặp vợ chồng trẻ bán với giá từ 30 - 40 baht/chiếc (tương đương 22.000 đồng - 29.000 đồng) tùy loại nhân. Ngoài nhân mặn, khách có thể thêm tiền để gọi phô mai hoặc tăng khẩu phần ăn.
Hiện họ còn nghiên cứu sáng tạo thêm món bánh tráng nướng nhân hải sản (tôm, mực), giá bán dự kiến từ 50 - 60 baht/chiếc (khoảng 37.000 - 40.000 đồng).
“Khi bán cho học sinh, chúng mình để giá mềm hơn một chút. Còn bán ở các khu chợ thì giá giữ nguyên.
Món bánh tráng nướng bình thường là 30 baht/chiếc (khoảng 22.000 đồng), bánh tráng nướng phô mai là 35 baht/chiếc (khoảng 26.000 đồng) và bánh tráng gấp đôi phô mai là 40 baht/chiếc (khoảng 29.000 đồng)”, Duy nói.
Chàng trai 31 tuổi tiết lộ, việc bán bánh tráng nướng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hai vợ chồng. Trung bình một ngày, họ kiếm được khoảng 2.000 baht (tương đương 1,4 triệu đồng), lúc cao điểm có thể hơn.
Theo anh, đây là con số không nhỏ, khá tốt so với mức sống trung bình của người địa phương.
Được biết, ngoài bánh tráng nướng, vợ chồng Duy Nan còn làm thêm trà tắc trái cây để phục vụ khách hàng có nhu cầu giải khát. Cặp đôi mong muốn có thể giới thiệu và quảng bá ẩm thực Việt Nam tới người dân Thái Lan.
Ở tiệm bánh tráng nướng, Duy còn trang trí vài chiếc nón lá, vẽ thêm các hình ảnh quen thuộc như áo dài, hoa sen,… Nan thường mặc áo bà ba, thắt tóc bím hai bên khi bán hàng giống như hình ảnh người phụ nữ ở vùng sông nước của Việt Nam.
Cô hy vọng vừa có cơ hội thể hiện tình yêu với mảnh đất hình chữ S, vừa lan tỏa được nét đẹp văn hóa, truyền thống của “quê hương thứ hai”.
Hai vợ chồng dự định bán hàng một thời gian ở các chợ để gây dựng thương hiệu. Trong tương lai, khi có điều kiện, cặp đôi sẽ mở quán bán các món ăn đặc sản Việt Nam ở Thái Lan.
Ảnh: Duy Nisa