Đã trồng và ăn thử khoảng 500 loại ớt
7h sáng, anh Hà Thành Nhân (32 tuổi, tiểu bang Oklahoma, Mỹ) đến bệnh viện làm việc. 16h chiều, về đến nhà, anh liền ra vườn để tưới nước, chăm bón cây trồng.
Anh Nhân ở ngoài vườn cho đến khi trời tối mới chịu vào nhà, thậm chí có ngày anh soi đèn làm mà vẫn không hết việc.
Trên khu vườn rộng khoảng 300m2, anh Nhân trồng nhiều loại ớt khác nhau. Lúc 20 tuổi, khi còn sống chung với gia đình, anh chỉ trồng vài cây ớt để lấy trái ăn mỗi ngày.
Ba năm gần đây, anh Nhân chuyển ra ngoài sống một mình với 4 chú cún. Nhà riêng có khu vườn rộng nên anh trồng khoảng 50 cây ớt. Mỗi năm, anh lại trồng nhiều thêm. Năm nay, anh trồng 120 loại ớt trong vườn nhà.
Tính đến nay, anh Nhân đã trồng và ăn thử khoảng 500 loại ớt khác nhau. Ngoài ra, anh còn sưu tầm hạt giống của khoảng 2.000 - 3.000 loại ớt khác.
Anh Nhân chia sẻ: “Tôi dành cả thanh xuân trồng nhưng chắc cũng không hết các loại ớt đã sưu tầm”.
Nói về lý do trồng nhiều loại ớt, anh Nhân cho biết: “Tôi thích ăn ớt trong những bữa cơm. Có một trái ớt tươi thì ăn cơm thấy ngon hơn. Ngoài ra, tôi thích trồng ớt, bởi ít người biết về ớt. Mọi người chỉ biết mấy loại thường dùng nấu ăn như ớt xiêm”.
Anh Nhân còn bị hấp dẫn bởi ớt có nhiều màu sắc, nhiều loại vị như trái cây, có loại rất thơm, có loại cay vô cùng. Hình dạng các loại ớt cũng lạ, có những loại hoa ớt nhiều màu rất đẹp.
Ví như, Fireblast, một loại ớt do anh Nhân tạo ra có vị cay vừa, rất thơm. Loại ớt này chịu nắng giỏi, rất sai trái. Loại ớt có tên Chocolate bhutlah có thể cay hơn Carolina reaper - một loại ớt được nhận định là cay nhất thế giới. Ớt Apple crisp có vị như trái cây, có thể hái và ăn tại chỗ như trái táo, rất ngọt.
Bên cạnh đó, anh Nhân còn trồng được ớt Aji charapita của Peru. Loại ớt này đắt nhất thế giới. Ớt Thunder mountain longhorn dài nhất thế giới, nhiều trái có chiều dài bằng nửa cánh tay. Hiện tại, vườn nhà của anh Nhân còn có vài loại ớt do anh tự lai tạo, chưa cho ra thị trường.
“Ớt dễ trồng và không cần nhiều thời gian, thường thì mình có thể thu hoạch sau 100 ngày. Càng trồng tôi lại càng thích. Nhiều loại ớt mình tự tạo ra và không ai có, làm nó quý hiếm hơn”, anh Nhân chia sẻ.
Lúc đầu, anh Nhân mua ớt giống trên thị trường, sau này anh trao đổi với nhiều bạn trong các nhóm yêu thích làm vườn. Một số hạt giống được bạn bè của anh gửi tặng.
Anh trồng ớt trong các thùng 17 lít với đất trộn từ đất thịt, peat moss (giá thể trồng cây), perlite (tinh thể khoáng núi lửa), phân bò.
“Quan trọng nhất là làm đất cho tốt mịn và mềm để rễ dễ di chuyển. Phân nước thì 1-2 tuần tôi tưới một lần. Cây nào bị bệnh, hay bị sâu bọ phải xử lý liền tránh lây lan”, anh Nhân cho biết.
Thời tiết ở tiểu bang Oklahoma rất thất thường, mùa hè nóng hơn 40 độ C, ít mưa; mùa đông có tuyết, mưa đá, đóng băng… Với nhiệt độ quá nóng, ớt rụng hết bông, anh Nhân phải giăng lưới chống nắng. Để tránh mùa lạnh, anh chỉ trồng ớt từ tháng 5 đến tháng 10.
Hoa trái Việt Nam trên đất Mỹ
Ngoài sở thích trồng ớt, anh Nhân còn sở hữu nhiều loại rau, cây trái đặc trưng của Việt Nam như: mồng tơi, bầu, bí, mướp, rau quế, ngò, hẹ, sơ ri, hồng giòn…
Để có được cây sơ ri, anh Nhân đã nhờ bạn mua ở một tiểu bang khác. Sau đó, anh phải lái xe 3 tiếng đồng hồ để chở cây về.
Ở Mỹ, các loại cây ăn trái như cóc, ổi, sơ ri, chùm ruột… có rất ít người bán, chỉ ở những tiểu bang có nhiều người Việt sinh sống mới có bán.
“Tiểu bang nơi tôi sống có thời tiết không hợp với các loại cây trên. Nếu muốn trồng thì phải đem cây vào nhà trú đông, rất vất vả, cây lại không nhiều trái. Nhưng tôi thích nên cố gắng tìm giống và trồng”, anh Nhân cho biết.
Nhiều người bất ngờ khi thấy cây sơ ri trong vườn của anh Nhân đơm hoa kết trái. Ngoài sơ ri, anh còn trồng chùm ruột nhưng do không hợp thời tiết, cây chỉ ra đúng một trái.
Với khu vườn đủ loại hoa trái, anh Nhân mất khoảng 1-3 tiếng đồng hồ tưới nước. Chưa kể, hoa hồng, thược dược phải thường xuyên xịt thuốc, cắt bông tàn, bón phân…
Dù khá vất vả để duy trì vườn nhà nhưng anh Nhân thấy rất ý nghĩa. Anh nói: “Tôi thấy làm vườn cũng vui, vừa có hoa ngắm, vừa có trái ăn, lại có rau tặng gia đình, bạn bè. Ở Mỹ có ít người Việt nên ít loại rau quả của Việt Nam, nhiều khi có tiền, thèm lắm cũng chưa mua được. Mình tự trồng thì ăn được một chút cũng vui. Nó cũng là không gian bình yên cho mình thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi”.
Mỗi lần thu hoạch, anh thường mang tặng cà chua, dưa leo, bí ngòi, ớt ngọt… cho hàng xóm. Mọi người rất ngạc nhiên và vui khi nhận được rau vườn.
Sở thích làm vườn chiếm nhiều thời gian, cho nên anh Nhân chưa lập gia đình, bạn gái cũng vài lần nhắc nhẹ.
Anh bộc bạch: “Dù định cư ở Mỹ đã 22 năm, nhưng tôi chỉ ăn đồ Việt, ngày nào cũng phải có cơm”.
Vài năm, anh lại về thăm họ hàng ở Việt Nam một lần nhưng do vướng dịch Covid-19, đợt này 5 năm rồi, anh chưa về thăm quê. Nhờ vườn cây trái thuần Việt, anh còn giữ chút hương vị quê nhà.
Bài: Vịnh Nhi
Ảnh: Nhân vật cung cấp