VietNamNet trao đổi với TS. Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về một số vấn đề đáng chú ý trong dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
"Lợi ích chung" hay "lợi ích công"?
Từ góc độ một nhà nghiên cứu quản trị công, theo ông, đâu là những điểm đáng chú ý của dự thảo Nghị định?
Chúng ta cần đặt dự thảo Nghị định trong quan hệ với Kết luận số 14 của Bộ chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo.
Theo đó, mục đích cao nhất của chủ trương này, được cụ thể hóa qua dự thảo Nghị định, là “để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Kết luận 14 của Bộ chính trị cũng nhấn mạnh nhu cầu sáng tạo “trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”.
Cũng có nghĩa, điểm đáng chú ý đầu tiên là về quan điểm, chúng ta sẵn sàng chấp nhận những “hành vi lệch chuẩn tích cực” trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, về bản chất, hành động “đột phá, sáng tạo” tức là không tuân theo các chuẩn mực (quy định) bất cập hiện hành. Sự lệch chuẩn sẽ được ủng hộ, miễn là phải đem đến sự thay đổi tích cực trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.
Điểm đáng chú ý thứ hai là sự khuyến khích những đột phá ở cấp độ hành vi cá nhân trong việc thực hiện các quy định pháp lý và hành chính. Điều này thể hiện rất rõ ở khuyến cáo “không trái Hiến pháp và Điều lệ Đảng”.
Định nghĩa về cán bộ đột phá, sáng tạo trình bày ở Mục 2, Điều 2 của dự thảo Nghị định cũng cho thấy kỳ vọng về tư duy và hành vi sáng tạo của đội ngũ cán bộ hiện nay là nhằm giải quyết những vấn đề mới, khó, phức tạp, “chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế, chính sách”.
Điểm đáng chú ý thứ ba, lợi ích chung được coi là cơ sở tiên quyết cho hành động đột phá, sáng tạo. Tuy nhiên, theo tôi, dự thảo sử dụng khái niệm “lợi ích chung” rất dễ gây tranh cãi. Chúng ta hay hiểu lợi ích chung là lợi ích của quốc gia, dân tộc, địa phương, bộ/ngành, cơ quan/đơn vị.
Thực tế, một sáng tạo có thể đem lại lợi ích cho đơn vị, địa phương, hay ngành này nhưng lại cũng có thể gây thiệt hại cho đơn vị, địa phương, hay ngành khác. Liệu chúng ta có nên khuyến khích những sáng tạo vì lợi ích cục bộ như vậy hay không?
Vậy theo ông, câu trả lời cho băn khoăn này là gì?
Theo tôi, Nghị định sẽ áp dụng cho khu vực công (khối cơ quan Nhà nước) thì nên sử dụng khái niệm “lợi ích công” thay vì khái niệm “lợi ích chung” rất lỏng lẻo. Chúng ta cần lưu ý rằng “lợi ích công” tất nhiên là “lợi ích chung” hay “lợi ích tập thể” nhưng không phải mọi “lợi ích chung, lợi ích tập thể” đều là “lợi ích công”.
“Lợi ích công” là lợi ích của các nhóm dân chúng cụ thể, hết sức đa dạng, gắn với các vấn đề chính sách mà họ là đối tượng thụ hưởng hoặc bị ảnh hưởng. Tự bản thân thành viên các nhóm công chúng này không thể giải quyết được vấn đề mà họ đang đối diện cho nên mới cần đến sự can thiệp của cơ quan công quyền.
Vì thế, khái niệm “lợi ích công” sẽ chặt chẽ hơn, giảm được nguy cơ bao biện hành động sáng tạo vì “lợi ích chung” nhưng thực tế là lợi ích thiển cận của bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào đó.
Đâu là yếu tố then chốt nhất với việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và dám đột phá, thưa ông?
Nghiên cứu dự thảo thì tôi thấy, dù trong tình huống khẩn cấp hay bình thường, người đứng đầu đơn vị trực tiếp luôn giữ vai trò quyết định. Cán bộ muốn thực hiện sáng kiến đột phá sẽ phải báo cáo người đứng đầu để nhận được câu trả lời đồng ý triển khai hay không.
Nếu đề xuất sáng tạo thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan cấp trên thì cũng phải phụ thuộc người đứng đầu báo cáo cấp trên, hoặc để cán bộ đề xuất được trực tiếp trình bày với cấp trên.
Vai trò then chốt của người đứng đầu đơn vị trực tiếp cũng thể hiện qua khả năng tự quyết định và chịu trách nhiệm. Các đề xuất đột phá đều được yêu cầu phải thông qua cuộc họp ban lãnh đạo đơn vị.
Tuy nhiên, trong trường hợp ban lãnh đạo đơn vị không đồng ý thông qua thì cá nhân người đứng đầu vẫn có thể cho triển khai đề xuất và chịu mọi trách nhiệm trước cấp trên và pháp luật liên quan đến quyết định của mình.
Một điểm nữa cho thấy vai trò then chốt của người đứng đầu là họ có trách nhiệm theo dõi, giám sát, động viên và xử lý kịp thời các tình huống mới xảy ra trong suốt quá trình triển khai đề xuất sáng tạo.
Vì vậy, tôi cho rằng, Nghị định cũng cần bổ sung quy định chi tiết hơn để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trực tiếp nếu họ cố tình chây ỳ, an phận thủ thường.
Nếu người đứng đầu tìm mọi cách gây khó dễ, cản trở những cán bộ nhiệt huyết, thể hiện trách nhiệm với công việc thông qua đề xuất, ý tưởng đột phá thì cần quy định rõ cách thức phản ánh và xử lý họ về mặt hành chính.
Giảm thiểu sự chi phối của ý chí chủ quan
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có nêu thực tế "trong lúc Đảng, Nhà nước tập trung cao cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì có một bộ phận cán bộ giữ an toàn, làm thì sợ sai". Ông có thể phân tích rõ những thách thức mà cán bộ dám đột phá, sáng tạo sẽ đối mặt?
Mọi sự đột phá hay sáng tạo luôn gặp phải những rào cản, cả trên phương diện quan điểm, lợi ích cá nhân cũng như các nguyên tắc, quy định thể chế của tổ chức.
Về bản chất, khuyến khích và bảo vệ các đề xuất, sáng tạo chính là trao cơ hội cho cán bộ năng động được phép vượt qua những bất cập của các quy định pháp lý và hành chính hiện tại để có thể giải quyết những tình huống công việc thực tế nào đó.
Do đó, thách thức đầu tiên là những đột phá ở cấp độ hành động thực thi chính sách sẽ phải tuân thủ chủ trương, đường lối chính trị, vốn rất rộng và trừu tượng mà cán bộ thực tiễn có thể không nắm được hết.
Vì thế, trước khi đề xuất ý tưởng sáng tạo, mỗi cán bộ cần tự nghiên cứu và tham vấn đồng nghiệp về mức độ nhất quán giữa đề xuất với chủ trương chính trị, thể hiện qua các Văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết của Trung ương, quy định, quyết định, cũng như các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…
Thách thức thứ hai là phải thuyết phục được người đứng đầu đơn vị. Chúng ta cần đối diện với khả năng ý tưởng đột phá có thể không nhận được sự ủng hộ, hoặc bị gây khó dễ, trì hoãn bởi những lý do cá nhân, cảm tính, thậm chí lợi ích thiển cận của người đứng đầu. Tức là dù cán bộ chứng minh được ý tưởng đúng đắn, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong hoạt động của đơn vị nhưng nếu người đứng đầu không ủng hộ thì cũng rất khó, thậm chí không thể thực hiện.
Thách thức thứ ba là cán bộ muốn đột phá phải thuyết phục được các đồng nghiệp trong đơn vị cũng như ban lãnh đạo trực tiếp để có được sự hợp tác. Bởi lẽ, ngoại trừ những nhiệm vụ mà cá nhân có thể triển khai hoàn toàn độc lập, nếu không có sự hợp tác từ các đồng nghiệp trong đơn vị thì khả năng thực hiện các ý tưởng mới trong khu vực công là vô cùng khó khăn, thậm chí không thể thực hiện.
Các biện pháp khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám đột phá như trong dự thảo Nghị định đã đủ mạnh để cán bộ, công chức vượt qua các thách thức như ông nói?
Hai giải pháp khuyến khích đáng chú ý trong dự thảo là cán bộ đột phá thành công, kết quả tốt sẽ được ưu tiên tham gia các lớp đào tạo và thực hiện chế độ, chính sách. Họ cũng sẽ được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn, thậm chí quy hoạch và bổ nhiệm vượt cấp.
Để bảo vệ cán bộ dám đột phá, giải pháp đáng chú ý nhất là họ sẽ được xem xét miễn kỷ luật Đảng và trách nhiệm pháp lý, trong đó có những tiêu chí cụ thể nếu việc triển khai ý tưởng không đạt mục tiêu đề ra, thậm chí gây thiệt hại.
Những quy định mới rất tích cực, tiến bộ nhưng theo tôi là chưa đủ mạnh để thúc đẩy cán bộ dám vượt qua những thách thức ở trên. Bởi lẽ, quy định là vậy nhưng việc thực hiện quy định lại phụ thuộc nhiều yếu tố rất phức tạp, khiến mỗi cán bộ sẽ hết sức thận trọng.
Để ý thức, tinh thần dám đột phá, sáng tạo luôn thường trực trong suy nghĩ của mỗi cán bộ thì chúng ta phải từng bước hoàn thiện quy trình công tác cán bộ, bảo đảm vận hành khách quan, giảm thiểu sự chi phối của ý chí chủ quan. Khi đó, các thành tích cá nhân sẽ được đánh giá, ghi nhận, ban thưởng kịp thời, xứng đáng và tự khắc đột phá, sáng tạo sẽ luôn xuất hiện.