Chất liệu nào cũng có sức hấp dẫn độc giả nhí
Trong danh sách tác phẩm bán chạy của Nhà xuất bản Kim Đồng thời gian qua có các tựa sách dành cho thiếu nhi: Cá linh đi học (Lê Quang Trạng), Trong sương thương má (Trương Chí Hùng), 100 cửa sổ (Phát Dương), Rồi nắng cũng lẻ loi (Nguyễn Chí Ngoan), Những chuyến tàu đi (Nguyên Hương), Miệt vườn xa lắm (Dạ Ngân)…
Nhìn vào các đầu sách mới được lên kệ cũng như nhiều tác phẩm phát hành lâu nay, có thể thấy chất liệu cho sáng tác văn học thiếu nhi rất phong phú. Từ miền Tây sông nước, nơi gió cát miền Trung đến vùng quê đồng bằng Bắc Bộ; từ ký ức tuổi thơ, những trải nghiệm cá nhân cho tới các thể loại kỳ ảo, viễn tưởng…
Nhiều nhà văn nhận định, bất kỳ đề tài nào, chất liệu nào cũng có sức hấp dẫn độc giả nhí. Tuy nhiên, thể hiện sao cho độc đáo và thu hút các em thì không phải tác phẩm nào cũng làm được.
Nhà văn Mai Bửu Minh - tác giả của 13 cuốn sách văn học cho thiếu nhi chia sẻ với với VietNamNet về những trở ngại khi theo đuổi đề tài này. Theo ông, hầu hết tác phẩm viết về thiếu nhi ngày xưa đến nay độc giả thấy "giống như đọc truyện cổ tích, xưa thiệt là xưa, xa lạ, không thích".
Biết vậy nhưng nhà văn Mai Bửu Minh thừa nhận "vốn sống và hiểu biết về trẻ con của tôi chỉ có thế, viết như để trả nợ tuổi thơ, trả nợ quê hương".
"Ông già U70 thời nay hơi khó làm bạn với các cháu. Trẻ con bây giờ 7 tuổi cầm điện thoại thông minh, chơi game, tặng quà cho bạn gái, nhắn gửi video tỏ tình, thuộc làu thành tựu các ngôi sao trong làng giải trí, thể thao…
Thời của tôi, bọn trẻ tuổi đó ở vùng quê còn cởi truồng tắm mưa, mê mải trò chơi dân gian, đánh bắt tôm cá dưới kênh rạch, đặt bẫy chim cò trên đồng. Thế nên, tôi gặp khó khăn khi viết đề tài thiếu nhi hiện nay", nhà văn Mai Bửu Minh thẳng thắn nhìn nhận.
Viết cho thiếu nhi phải thực tế
Nhà văn Kim Hòa - tác giả của Vương quốc ngộ nghĩ, Tay chị tay em, Đỉnh khói, Con chim phụng cuối cùng, Cửa sổ phía đông, Chuyện kể ở Lớp Cây Me… khá thuận lợi khi viết cho các bạn nhỏ, bởi bản thân có sẵn một “tập đoàn thiếu nhi” ở bên cạnh, chỉ cần ghi chép, viết lại.
“Không phải đề tài hạn chế với văn học thiếu nhi mà không ít tác giả chưa tìm được thế mạnh thật sự để khai thác. Mỗi cây bút có một địa hạt riêng, ở đó người viết sẽ tìm được những gì tinh túy nhất nhằm phát huy và sáng tạo nên các tác phẩm mang thương hiệu cá nhân”, nhà văn Kim Hoà chia sẻ.
Bà cũng cho rằng, khó khăn không nằm ở việc đi tìm ý tưởng mà làm thế nào để giọng điệu của mình được trẻ trung, đưa ra được thông điệp, những câu chuyện thực tế có tính thời sự và dễ dàng tiếp cận với các em.
Nhà văn Phát Dương - người đã viết tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tay 100 cửa sổ băn khoăn: “Nhiều người nói văn học thiếu nhi viết theo kiểu phiêu lưu, giả tưởng thường không thu hút bằng các đề tài khác do không gần gũi với cuộc sống. Thế nhưng, tại sao tập truyện Harry Potter về thế giới phù thuỷ hoàn toàn không có thật, vẫn làm say mê biết bao thế hệ độc giả Việt Nam?
Theo nhà văn Phát Dương, điểm hạn chế khi viết cho thiếu nhi không phải khâu đề tài mà là việc cân nhắc đưa thông điệp vào tác phẩm, nếu quá nhiều sẽ khô khan, cứng nhắc, thiếu hấp dẫn.
“Phải làm sao để tạo ra một tác phẩm có dấu ấn, thể hiện tinh thần Việt, chất Việt. Ví như cuốn 100 cửa sổ, viết trong lúc Covid-19, tôi đau đầu cân nhắc khi đưa yếu tố dịch bệnh vào, bao nhiêu là vừa đủ, làm sao chỉ gợi chứ không quá mạnh bạo, nên hy vọng hay buồn bã…”, nhà văn Phát Dương tâm sự.
Đồng quan điểm, nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương cho rằng, văn chương luôn phải sát với thực tế, không chỉ màu hồng mà còn có cả mặt trái.
“Nói văn chương 'hoàn thiện con người' nghe lớn lao quá. Tôi xin hạ xuống một chút, văn chương có thể thay đổi con người hay đơn giản nó giúp mỗi chúng ta "chấp nhận bản thân". Làm được như vậy sẽ tìm ra những điều tốt đẹp.
Thời gian gần đây có rất nhiều câu chuyện cảm động, đọc xong tôi đặt ra những câu hỏi: Làm sao để có thể thương được kẻ mà mình ghét? Nếu "tu" được như thế mới thành công. Thương người thân thì dễ nhưng thương được người mình ghét mới khó. Tính giáo dục và thực tế khi viết cho thiếu nhi là phải vậy. Văn chương Việt Nam nói chung đang có một điểm vừa tốt vừa hạn chế, đó là lý tưởng quá”, nhà thơ Vũ Quần Phương nêu quan điểm.
“Đôi khi viết về những điều xấu xa nhất lại giúp cho chúng ta nhiều kinh nghiệm sống", nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định.
Bài 3: Nỗ lực ‘đánh thức’ cây bút viết cho thiếu nhi