Bên cạnh SpaceX, ESA cũng đàm phán với các đối tác từ Nhật Bản và Ấn Độ do dự án tên lửa Ariane 6 của châu Âu vẫn đang bị trì hoãn.
Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, nguy cơ cô lập lĩnh vực hàng không vũ trụ giữa Moscow và phương Tây ngày càng trở nên hiện hữu, trở thành cơ hội chiếm lĩnh thị trường cho tên lửa Falcon 9 do SpaceX phát triển.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher nhấn mạnh các giải pháp thay thế được đưa ra chỉ là dự phòng trong bối cảnh cơ quan này đang xem xét chốt lại lịch đối với Ariane 6 vào tháng 10 tới đây, dựa trên kết quả các cuộc phóng thử nghiệm hiện tại.
Hiện châu Âu vẫn phụ thuộc vào tên lửa Vega của Italia cho các chuyến hàng tải trọng nhỏ, Soyuz của Nga cho hạng trung và Ariane 5 cho các nhiệm vụ siêu tải trọng. Tên lửa Vega C thế hệ tiếp theo đã được ra mắt tháng trước, trong khi Ariane 6 với kỳ vọng thay thế cả Ariane 5 và Soyuz đã bị trì hoãn cho tới sang năm.
Theo Tổng giám đốc ESA , việc châu Âu phụ thuộc vào tên lửa của Nga là một lời cảnh tỉnh trong bối cảnh xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn và châu lục này cần “tăng cường khả năng và năng lực độc lập”.
Lãnh đạo ESA cũng cho hay, trước mắt Nga sẽ không rút khỏi các cam kết với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Trước đó, trong cuộc họp trên truyền hình với Tổng thống Nga Putin, Giám đốc không gian mới được bổ nhiệm Yuri Borisov nói rằng Nga sẽ rút khỏi ISS “sau năm 2024”.
Nhưng sau đó Borisov đính chính rằng kế hoạch hiện tại của Nga không thay đổi, đồng thời các quan chức phương Tây cũng cho biết họ không nhận được thông báo chính thức nào về việc rút khỏi trạm vũ trụ quốc tế.
Vinh Ngô (Theo Reuters)