Nhiều vùng của Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Croatia và Italy đều đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao trên 40 độ C.
“Nhiệt độ đang tăng khắp châu Âu trong tuần này trong bối cảnh nắng nóng gay gắt và kéo dài. Và nó chỉ mới bắt đầu”, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết trong một tuyên bố .
Nắng nóng là một trong những nguyên nhân dẫn tới cái chết của hơn 61.000 người trong mùa hè thiêu đốt ở châu Âu năm ngoái.
Ở Italy, nhiệt độ có thể đạt mức kỷ lục. Theo ESA, Sardinia và Sicily dự kiến sẽ ở gần mức nhiệt độ kỷ lục của châu Âu là 48,8 độ C.
Vào ngày 14/7, Bộ Y tế Italy đã đưa ra cảnh báo rủi ro sức khỏe “cực đoan” với 15 thành phố bao gồm cả Rome và Florence khi đợt nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài.
Tại Rome, một số khách du lịch đã ngã quỵ trong tuần trước do say nắng, trong đó một du khách người Anh bất tỉnh trước Đấu trường La Mã cổ đại hôm 11/7.
Alessandro Miani, chủ tịch Hiệp hội Y học Môi trường Italy (SIMA), nói với đài truyền hình nhà nước RAI rằng Italy “có một kỷ lục đáng buồn là quốc gia châu Âu có số ca tử vong cao nhất do sóng nhiệt”.
Tại Hy Lạp, các nhà chức trách cho biết nhiệt độ có thể lên tới 44 độ C.
Bộ Văn hóa Hy Lạp cho biết họ sẽ đóng cửa Acropolis ở Athens từ giữa trưa theo giờ địa phương cho đến 5 giờ chiều ngày thứ Sáu do nắng nóng. Cảnh sát và các dịch vụ khẩn cấp đã hỗ trợ một nữ du khách gặp khó khăn do nắng nóng ở Acropolis.
Theo dự báo của dịch vụ khí tượng Hy Lạp, nhiệt độ sẽ đạt đỉnh 42 độ C ở Athens vào giữa trưa.
Tại Croatia, hàng chục lính cứu hỏa đã được triển khai khi một đám cháy rừng lớn bùng phát gần Grebastica, một thị trấn nhỏ gần thành phố ven biển Sbenik.
Nhiệt độ dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 40 độ C trên toàn khu vực vào tuần này.
Châu Âu không phải là nơi duy nhất đối mặt với nhiệt độ khắc nghiệt. Một đợt nắng nóng nguy hiểm kéo dài hàng tuần ở các vùng miền Tây Mỹ sẽ trở nên tồi tệ hơn vào cuối tuần này. Hơn 90 triệu người đang trong tình trạng cảnh báo nhiệt độ. Nơi nóng nhất trên Trái đất, Thung lũng Chết của California, có thể đạt tới 54,4 độ C, các nhà dự báo tại Dịch vụ Thời tiết Quốc gia nói với CNN .
Sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu do con người gây ra và sự xuất hiện của hiện tượng khí hậu tự nhiên, El Niño, có tác động làm nóng toàn cầu, đang đẩy nhiệt độ lên mức cực đoan kỷ lục. Tháng trước là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu và tuần trước hành tinh đã chứng kiến ngày nóng nhất từng được ghi nhận.
Khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng, các nhà khoa học cho biết những đợt nắng nóng kỷ lục sẽ chỉ trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.
Theo CNN