Báo cáo của Cục Chăn nuôi về ngành hàng thịt lợn dẫn số liệu từ AgroMonitor cho thấy, Việt Nam nhập khẩu 114.123 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh trong năm 2022, trị giá 249,35 triệu USD, giảm 29,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá so với năm 2021.
Còn trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng nhập khẩu thịt lợn đạt hơn 41.483 tấn, giảm 8% về lượng so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường cung cấp thịt lợn cho Việt Nam chủ yếu là Nga, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Canada...
Đáng chú ý, nhập khẩu phụ phẩm ăn được từ lợn lên tới 46.070 tấn, tăng vọt 78% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng phụ phẩm như móng giò, tai, mũi, lưỡi lợn,... được nhập về phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Không chỉ nguồn hàng nhập khẩu, thời gian gần đây lợn sống nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia cũng tràn vào Việt Nam. Bởi, giá lợn hơi ở nước ta đang cao hơn so với các nước trong khu vực.
Trao đổi với báo chí về nguồn hàng nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, sản lượng thịt nhập khẩu hiện chiếm 0,7% trong tổng lượng thịt trên thị trường.
"Khi đàm phán thương mại đều phải 'bia kèm lạc'. Song, đàm phán nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, chúng ta có rất nhiều hàng rào kỹ thuật. Bởi, hội nhập nhưng vẫn phải tính cho phát triển sản xuất trong nước", ông Tiến nhấn mạnh.
Còn về vấn đề lợn nhập lậu, ông Tiến cho biết, khi phát hiện ra tình trạng này ở các tỉnh phía Nam, Bộ NN-PTNT có công điện chỉ đạo và hiệu quả đã thấy rõ.
Theo ông, chúng ta có đường biên giới rất dài, nếu không quản lý chặt chẽ thì sản phẩm và dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi trong nước. Vừa qua, Bộ đã trực tiếp chủ trì hội nghị về vấn đề xuất nhập khẩu, quản lý như thế nào để đảm bảo nguồn hàng nhập vào theo đúng quy định.