Thông tin từ Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), tính đến hết quý I/2023, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 740,7 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 354,6 triệu USD, tăng 5%; nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 302,3 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, giá trị nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được trong tháng 3 vọt lên 144,3 triệu USD, kéo giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ tăng trưởng âm 19,8% về trị giá trong hai tháng đầu năm nay (so với cùng kỳ năm 2022) sang tăng trưởng dương trong quý I/2023.
Các thị trường lớn cung cấp thịt và phụ phẩm ăn được cho Việt Nam gồm Ấn Độ, Brazil, Đức, Nga, Canada, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Mỹ, Úc...
Trong năm 2022, Việt Nam cũng chi 1,52 tỷ USD để nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật, tăng 9,1% so với năm trước đó.
Giá nhập khẩu nhóm mặt hàng này luôn ở mức thấp. Tháng 1 đầu năm nay, giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt về Việt Nam đạt mức 2.092 USD/tấn (chưa đến 50.000 đồng/kg).
Một đầu mối bỏ sỉ thịt nhập khẩu ở Hà Nội tên Thanh Dương cho biết, bên kho của anh thường đổ sỉ theo đầu tấn, tuy nhiên khách lấy sỉ vài thùng hoặc vài chục thùng vẫn bán. Bởi, các bếp ăn tập thể kho lạnh của họ không chứa được nhiều nên lượng hàng nhập mỗi lần cũng hạn chế.
Song, giá nhập sỉ thịt theo đầu tấn khác với đầu tạ, bởi nguyên tắc nhập càng nhiều sẽ càng giá rẻ. Anh Dương dẫn chứng, sườn que nếu lấy theo đầu tấn giá chỉ 18.000 đồng/kg, còn lấy theo đầu tạ giá 23.000-25.000 đồng/kg tuỳ loại; móng giò sau giá 23.000-26.000 đồng/kg, móng giò trước giá từ 26.000-30.000 đồng/kg tuỳ số lượng; sườn lợn giá 65.000 đồng/kg; tim và lưỡi lợn đều có giá 42.000 đồng/kg; thịt ba chỉ rút xương giá 87.000 đồng/kg, loại có sườn giá 67.000 đồng/kg; khoanh giò nạc giá 56.000 đồng/kg, cốt lết giá 68.000 đồng/kg…
“Các mặt hàng này đều có hạn sử dụng đến năm 2024 và năm 2025”, anh Dương nhấn mạnh.
Không chỉ với giá thịt lợn, các loại thịt trâu bò nhập khẩu tương đối rẻ, đặc biệt là hàng nhập từ Ấn Độ. Đơn cử, nạm nạc bò giá 62.000 đồng/kg, lấy theo đầu tấn giá chỉ 58.000 đồng/kg; nạc mông bò Ấn giá 98.000 đồng/kg; thăn lưng bò Ấn giá 123.000 đồng/kg, ba chỉ bò Úc giá 124.000 đồng/kg;…
Trên thị trường, các loại thịt lợn, phụ phẩm lợn nhập khẩu được bán lẻ với giá khá rẻ so với hàng nội địa. Trong khi đó, một số loại thịt bò nhập khẩu từ Ấn Độ hay Úc có giá rẻ bằng nửa thịt bò ta bán ngoài chợ. Do đó, các loại thịt nhập khẩu và phụ phẩm luôn được các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể chuộng mua.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, dù lượng thịt và phụ phẩm ăn được nhập khẩu về chiếm tỷ lệ không nhiều so với tổng sản lượng thịt nội địa, song trong lúc nguồn cung đang dồi dào còn nhu cầu tiêu thụ lại giảm mạnh nên hàng nhập vẫn ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi của nước ta.
Hiện cả giá gà và giá lợn hơi đều ở dưới đáy. Người chăn nuôi gà và lợn đang gánh lỗ khoảng 10.000 đồng/kg khi xuất chuồng. Nhiều doanh nghiệp, trang trại lớn phải giảm đàn, chăn nuôi cầm chừng.
Ông cho biết, các loại thịt và phụ phẩm nhập về có giá rất rẻ. Trong khi doanh nghiệp trong xu hướng thắt chặt chi tiêu do sản xuất gặp khó khăn. Theo đó, các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp ưu tiên chọn mặt hàng thịt nhập về chế biến vì có giá thành thấp.
“Chưa xét về chất lượng, chỉ xét về giá có thể nhìn ra ngay mặt hàng thịt lợn, gà, bò,... nội địa không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu”, ông nói. Do đó, ông kiến nghị trong bối cảnh hiện nay nên hạn chế nhập khẩu các loại thịt và phụ phẩm, ưu tiên dùng sản phẩm trong nước để hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp.
Hiện, giá lợn hơi xuất chuồng dao động từ 48.000-52.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà thịt lông màu ngắn ngày ở thời điểm tháng 3 vừa qua giảm còn 33.000 đồng/kg; gà công nghiệp lông trắng ở miền Nam và miền Trung giảm về mức 20.000-21.000 đồng/kg, ở miền Bắc có giá 29.000 đồng/kg… Nguyên nhân giá có xu hướng giảm là do sức mua giảm, tiêu thụ thịt tại các khu công nghiệp và bếp ăn tập thể giảm mạnh.