Đặt nền móng để trẻ em hạnh phúc
Giáo sư Hà Vĩnh Thọ là người Pháp gốc Việt, hiện sống ở Thụy Sĩ. Ông từng đảm trách vai trò Giám đốc Chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan, đã tích cực triển khai các mô hình Trường học hạnh phúc hàng chục năm nay tại Việt Nam, và đang tiếp tục thúc đẩy phát triển các Doanh nghiệp hạnh phúc, Cơ quan hạnh phúc.
“Tôi có cha là người Việt Nam, mẹ là người Pháp, tuổi thơ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam vào năm 1982, lúc 30 tuổi. Khi đó, chiến tranh mới kết thúc. Những vết thương, tàn dư chiến tranh còn rất rõ ràng. Thấy rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em phải chịu nhiều đau khổ, tôi cảm thấy rất bùi ngùi xúc động. Chứng kiến những vết thương thời hậu chiến, trong lòng tôi trỗi dậy chí nguyện làm sao có thể mang lại hạnh phúc cho đất nước, đặc biệt là cho trẻ em Việt Nam”, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ hồi tưởng.
“Người đầu tiên tôi gặp ở Hà Nội là Tiến sĩ Nguyễn Khắc Viện, người thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em. Tiến sĩ Viện nhắn nhủ với tôi rằng, nếu được thì có thể làm điều gì đó để mang lại hạnh phúc cho con người Việt Nam, cho trẻ em Việt Nam, bởi vì chúng ta vừa đi qua chiến tranh, đã đạt được độc lập tự do, và đây là thời khắc phải xây dựng Việt Nam hạnh phúc”, Giáo sư Thọ kể tiếp.
Đau đáu chí nguyện xây dựng Việt Nam hạnh phúc, Giáo sư Thọ bắt đầu từ những việc nhỏ. Thời điểm đó, tại Việt Nam hầu như chưa có trường học nào hỗ trợ các trẻ em khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật về trí tuệ. Vốn là một nhà giáo, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ muốn tạo sự thay đổi. Ông cùng các cộng sự xắn tay gây quỹ, xây dựng cơ sở vật chất cũng như đào tạo giáo viên cho những trẻ em đặc biệt.
Sau một thời gian, Giáo sư Thọ cùng các đối tác, cộng sự dần mở rộng chương trình cho tất cả trẻ em Việt Nam đang học tại các trường công. Ông được nhiều người gọi với danh xưng trìu mến: "Thày Thọ".
“Chúng tôi bắt đầu triển khai mô hình Trường học hạnh phúc tại các trường ở Huế. Sau quá trình triển khai tại Huế, chúng tôi đúc kết thành sách. Cuốn sách là quá trình chiêm nghiệm lại những điều chúng tôi đã thực hành, sau đó đúc kết, dùng ngôn ngữ để diễn đạt”, thày Thọ cho hay.
Giáo sư Hà Vĩnh Thọ từng làm việc cho Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, thực hiện công tác nhân đạo tại các vùng chiến sự như Afganistan…, cụ thể là giúp đỡ người tị nạn và nhiều hoạt động hỗ trợ khác.
“Trải nghiệm tại các vùng chiến sự nhắc nhớ cho tôi về Việt Nam qua hàng thập kỷ chiến tranh, và tôi luôn trăn trở, băn khoăn về điều này. Việc cứu trợ nhân đạo thường diễn ra khi đã có chiến tranh. Tôi tự hỏi: Có cách nào ngăn chặn ngay từ nguồn cơn của chiến tranh hay không? Liệu chúng ta có thể tái kiến thiết, xây lại hệ thống thể chế mà ở đó không nuôi dưỡng, không tạo nên bạo lực trong con người, mà đi theo chiều hướng nhiều tình yêu thương con người hơn? Đó cũng chính là lý do tôi rời Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế, đến Bhutan làm Giám đốc của Chương trình Tổng Hạnh phúc quốc gia”, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ tâm sự.
Làm Giám đốc Chương trình Tổng hạnh phúc quốc gia tại Bhutan, vị Giáo sư Việt kiều nhận thấy, cách tiếp cận của Bhutan về khái niệm về hạnh phúc có thể hữu ích cho Việt Nam vì văn hóa hai nước có sự gần gũi nhau.
“Tôi mang khái niệm Tổng hạnh phúc quốc gia về Việt Nam chia sẻ và có sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng trong nước. Có vẻ như người Việt Nam nắm bắt khái niệm về hạnh phúc nhanh hơn những người mà tôi đã tiếp cận tại châu Âu”, Giáo sư Thọ nêu quan điểm cá nhân.
Tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc nội
Quay trở lại Hà Nội dịp này, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ không khỏi bất ngờ vì chỉ sau vài thập kỷ, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung lại có thể phát triển vượt trội như vậy.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế kèm theo cái giá là sự hủy hoại về môi trường sinh thái, khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục chia cắt, hủy hoại những kết nối xã hội (cách con người liên hệ với nhau trong xã hội, cộng đồng).
“Sau chiến tranh, cũng tương tự câu chuyện ở các nước châu Âu sau thế chiến thứ hai, Việt Nam cần phải dồn toàn bộ sức lực của mình để tái kiến thiết nền kinh tế nhằm đáp ứng được nhu cầu vật chất cơ bản, nhu cầu sinh tồn cơ bản của con người. Thế nhưng, việc tập trung hoàn toàn, duy nhất vào sự phát triển kinh tế cũng dễ dẫn tới cái nhìn hạn hẹp. Khi đã chạm ngưỡng hoặc vượt ngưỡng đáp ứng nhu cầu cơ bản mà mình vẫn chỉ chăm chăm vào phát triển kinh tế thì sẽ bắt đầu tác động tiêu cực vào những giá trị khác như con người và hệ sinh thái. Chúng ta cần phải mở rộng tầm nhìn, điểm nhìn của mình”, Giáo sư Thọ phân tích.
Giáo sư dẫn câu chuyện Bhutan như một điển hình về sự thay đổi tầm nhìn.
Bhutan vốn là đất nước khá khép kín, gần như không bị ảnh hưởng bởi châu Âu. Những năm 1970, Bhutan bắt đầu mở cửa. Đức vua Bhutan lúc đó chưa 18 tuổi nhưng đã nhận thức được rằng thước đo sự phát triển của quốc gia không chỉ duy nhất là thước đo kinh tế. Bởi ông nhìn vào các quốc gia khác như Bangladesh, Nepal…, mọi người theo đuổi sự phát triển kinh tế và đã phải trả giá rất lớn về văn hóa, xã hội...
Vị vua trẻ nhận thấy, phải có một phương thức, định hướng phát triển có tính toàn vẹn hơn, bao gồm cả kinh tế, xã hội và văn hóa con người, vẫn hiện đại hóa đất nước, vẫn phát triển đất nước, nhưng không ăn mòn vào truyền thống của dân tộc.
Đức vua Bhutan nhấn mạnh: “Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”.
2 khiếm khuyết của GDP được nhận diện.
Thứ nhất, tất cả những giao dịch về tiền bạc, tài chính đều được tính vào GDP, bất kể hậu quả, hệ quả tạo ra cho đời sống con người. Chẳng hạn, đang có chiến tranh ở châu Âu, công nghiệp sản xuất vũ khí “ăn nên làm ra”, GDP các nước sản xuất vũ khí tăng lên, nhưng không đóng góp vào sự an lạc, hạnh phúc hơn của con người.
Thứ hai, GDP chỉ tính giờ lao động được trả lương. Trong khi, một nghiên cứu của Bộ Thống kê Thụy Sĩ cho thấy, ở Thụy Sĩ, hàng năm, tổng số giờ lao động được trả lương thấp hơn hẳn so với số giờ lao động không được trả lương (giờ làm những việc ở nhà để chăm sóc cho tổ ấm, con cái, những mối quan hệ). Những giờ lao động không được trả lương tạo ra ý nghĩa và chất lượng cuộc sống lại không được tính vào GDP.
“Chúng ta phải mở rộng điểm nhìn, chuyển dịch từ tập trung thước đo duy nhất là kinh tế sang cả những điều kiện cần cho sự an sinh xã hội của con người. Cần phải thôi không bị ám ảnh bởi vấn đề chỉ đo lường bằng sản xuất và tiêu thụ, cũng như sự phát triển vô hạn về kinh tế. Cần bắt đầu nhìn nhận những yếu tố toàn vẹn hơn, mang đến sự phát triển đầy đủ, an lạc cho con người, và kinh tế chỉ là một phần trong đó”, Giáo sư Thọ khuyến nghị.
Năm 2011, Hoàng gia Bhutan đã gửi một tài liệu khuyến nghị lên Liên Hợp Quốc về việc sử dụng Tổng Hạnh phúc quốc gia (GNH) như một hệ quy chiếu thay thế cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã thông qua khuyến nghị đó, đề xuất Bhutan chủ tọa một hội nghị gặp gỡ giữa các nước, cùng nhìn nhận cách ứng dụng triển khai cụ thể Tổng hạnh phúc quốc gia. Bởi vì không thể thay thế một cách tiếp cận mang tính thống kê rõ ràng với các tiêu chí như GDP bằng một ý tưởng mơ hồ.
Vì thế, Thủ tướng Bhutan quyết định thành lập Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia. Giáo sư Hà Vĩnh Thọ đảm nhiệm vị trí Giám đốc chương trình.
“Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tôi là tổ chức cuộc họp tại New York (Hoa Kỳ) với các chuyên gia đầu ngành của nhiều ngành khác nhau, cùng thảo luận để cụ thể hóa các tiêu chí trong khung Tổng hạnh phúc quốc gia, xây dựng bộ câu hỏi cùng các tiêu chí đánh giá rõ ràng”, Giáo sư Thọ nhớ lại.
Làm sao có hệ quy chiếu chung về hạnh phúc là câu hỏi đầu tiên được các chuyên gia liên ngành cùng đặt ra.
Các nhà nghiên cứu quốc tế sau khi thảo luận đã xác định những tiêu chí chung để tạo ra hạnh phúc gồm: Sống hài hòa và quan tâm đến bản thân; Sống hài hòa và quan tâm đến người khác/xã hội; Sống hài hòa và quan tâm đến môi trường, hành tinh.
“4 trụ cột của GNH, những giá trị kiến tạo nên hạnh phúc, cũng đã được các nhà nghiên cứu nêu rõ, đó là: Quản trị tốt; Bảo tồn tự nhiên/môi trường; Phát triển và bảo tồn văn hóa; Phát triển kinh tế và xã hội công bằng và bền vững. Những giá trị đi kèm 4 trụ cột này cũng chính là Tứ vô lượng tâm trong Phật giáo: Từ - Bi – Hỷ - Xả. Bhutan rất thành công trong việc định nghĩa và triển khai Tổng hạnh phúc quốc gia bởi vì bên trong văn hóa của họ đã thấm nhuần Tứ vô lượng tâm đó rồi. Tôi nghĩ Việt Nam cũng có điểm tương đồng, bởi trong tâm hồn của người Việt cũng thấm nhuần Từ - Bi – Hỷ - Xả”, Giáo sư Thọ chia sẻ thêm.
2 đòn bẩy chuyển hóa xã hội hạnh phúc
Hàng chục năm theo đuổi con đường chung tay xây dựng Hạnh phúc và An lạc cho cộng đồng, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ nhận thấy, có 2 đòn bẩy tạo sự thay đổi trong xã hội, chuyển hóa xã hội hạnh phúc hơn.
Đầu tiên là giáo dục, nuôi dưỡng công dân tương lai. Những đứa trẻ hạnh phúc/có kỹ năng hạnh phúc sẽ trở thành công dân có kỹ năng hạnh phúc, kiến tạo đất nước hạnh phúc.
Hai là doanh nghiệp, lực lượng có tác động lớn vào xã hội, có thể đóng góp mạnh mẽ trong việc xây dựng xã hội hạnh phúc hơn.
“Khi chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình Trường học hạnh phúc tại các trường công ở Việt Nam (có nội dung rèn luyện sự chú tâm cho trẻ - PV), không ít người e sợ rằng chúng tôi có chủ ý muốn biến trẻ thành Phật tử. Chúng ta cần phải hiểu, kỹ năng chú tâm - trên thế giới gọi là Chánh niệm - là một kỹ năng đã được minh chứng về ảnh hưởng tích cực của nó lên sức khỏe con người thông qua rất nhiều nghiên cứu bài bản. Tháng tư năm ngoái, Trường Y Harvard đã thành lập Viện nghiên cứu về Chánh niệm, cách ứng dụng Chánh niệm trong y tế công. Tôi rất mừng vì Viện này được thành lập không phải bởi khoa Xã hội học hay khoa Thần học của Harvard mà được thành lập bởi Y khoa. Cách tiếp cận của Y khoa rất bài bản, khoa học. Thực hành chú tâm không phải là câu chuyện tôn giáo mà là câu chuyện xây dựng nội lực, sức khỏe cho con người”, Giáo sư Thọ trải lòng, đồng thời không quên nhấn mạnh: “Người Việt nên tự hào vì Viện nghiên cứu về thực hành Chánh niệm của Harvard được đặt theo tên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lần đầu tiên có một người Việt được đặt tên cho Viện nghiên cứu của Harvard”.
Chia sẻ tâm tư, nỗi lòng của nhiều phụ huynh Việt Nam về sự phát triển của những đứa trẻ hạnh phúc trong bối cảnh ngành giáo dục Việt Nam có quá nhiều áp lực, vị Giáo sư Việt kiều thông tin thêm: “PISA là bộ đánh giá quốc tế về năng lực học sinh dựa trên 3 kỹ năng: Toán, Khoa học và Kỹ năng đọc hiểu. Trong thời đại hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm thay đổi bản chất của việc dạy và học thì tiêu chí đánh giá chỉ dựa trên 3 kỹ năng như thế là không đủ. Năm vừa rồi, chúng tôi đã làm việc với Giám đốc PISA, từng là diễn giả chính trong hội nghị của chúng tôi về Trường học hạnh phúc tại Huế. Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng bộ tiêu chí PISA Happy Life (Cuộc sống hạnh phúc). Mong muốn của chúng tôi là bên cạnh đánh giá học thuật của trẻ, các nước cũng như các hệ thống giáo dục quốc tế sẽ bắt đầu cân nhắc một cách nghiêm túc về mức độ an lạc của trẻ trong trường học; làm sao để con trẻ hạnh phúc học hỏi và sẽ trở thành thế hệ tương lai có trách nhiệm với hạnh phúc của bản thân mình cũng như với xã hội. Hy vọng Việt Nam sẽ là quốc gia thí điểm bộ tiêu chí Cuộc sống hạnh phúc của PISA”.
Cùng với những bước tiến mới trên hành trình xây dựng Trường học hạnh phúc, Trẻ em hạnh phúc tại Việt Nam, sau khi “rút tâm can” đúc kết kinh nghiệm để viết hai cuốn sách Trẻ em hạnh phúc (Happy Children), và Trường học hạnh phúc (Happy School), mới đây, vị Giáo sư Việt kiều lại vừa cho ra đời thêm một “đứa con tinh thần” nữa là cuốn sách Cơ quan hạnh phúc (Happy Organization).
Thực tế tại Việt Nam, bắt đầu có một số doanh nghiệp tiên phong trên hành trình xây dựng và phát triển Doanh nghiệp hạnh phúc, nhưng làm theo cách mày mò, dò dẫm. Những kinh nghiệm được đúc kết bởi Giáo sư Hà Vĩnh Thọ giúp họ bước đi tự tin hơn.
“Khối doanh nghiệp/tư nhân đóng một vai trò rất quan trọng trong kiến thiết kinh tế - xã hội. Hiện đã có đối tác ứng dụng mô hình Doanh nghiệp hạnh phúc tại châu Âu, nhưng tôi cảm thấy các đối tác tại Việt Nam nghiêm túc, triển khai có vẻ thấu đáo hơn. Họ không nói những lời sáo rỗng mà có hành động cụ thể, có ảnh hưởng ngay tới xã hội và những người xung quanh. Họ như nguồn cảm hứng, tấm gương về việc chuyển hóa để đóng góp cho cộng đồng xã hội. Hy vọng họ sẽ không chỉ trở thành hình mẫu tiên phong cho các doanh nghiệp tại Việt Nam mà cả quốc tế”, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Hà Books: Tôi hâm mộ thày Thọ từ lâu và rất may mắn gặp được thày ở Huế vài năm trước. Tôi đã đặt vấn đề với thày Thọ: “Thày ơi, thày là người gốc Việt Nam, đã làm nhiều việc cho Việt Nam rồi, thày làm tiếp nhiều việc nữa cho Việt Nam đi”. Và thế là theo đặt hàng của tôi, hai cuốn sách do thày viết đã lần lượt ra đời, gồm: Trẻ em hạnh phúc (Happy Children), và Trường học hạnh phúc (Happy School). Cách đây ít lâu, tôi có ý tưởng đặt thày Thọ viết thêm cuốn Cơ quan hạnh phúc (Happy Organization). Ngay sau khi nghe tôi đề đạt ý tưởng, trên máy bay từ Việt Nam về Thụy Sĩ, thày đã viết những trang đầu tiên. Cuốn sách bằng tiếng Anh đã được Thái Hà Books phát hành và mang sang hội chợ sách quốc tế tại Bangkok (Thái Lan) cách đây ít hôm. Tôi sẽ tiếp tục mang cuốn sách này đi các nước để khoe với thế giới. Tôi tin nhiều nước trên thế giới sẽ ứng dụng những nội dung trong cuốn sách chứ không chỉ riêng Việt Nam. Một tin vui là sắp tới, thày Thọ sẽ ra mắt thêm 2 cuốn sách nữa về Gia đình hạnh phúc và Cặp đôi hạnh phúc. |