Cục Đường bộ vừa có văn bản đề xuất phương án thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Trong đó, cơ quan này cho rằng trước mắt tập trung thu phí đối với các dự án Nhà nước đầu tư được Quốc hội cho chủ trương, còn các dự án khác sẽ thực hiện khi dự án Luật Đường bộ được thông qua dự kiến vào năm sau.
Cục Đường bộ cho biết, theo số liệu thống kê, những năm qua đối với các tuyến đường bộ do Nhà nước đầu tư (chưa thu phí) ngân sách chỉ cân đối được khoảng 830 triệu đồng/km đường cao tốc, cơ bản mới đáp ứng được yêu cầu quản lý, vận hành và bảo trì.
Trong khi đó, kinh phí sửa chữa định kỳ chưa được bố trí đúng thời hạn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tốc độ khai thác.
Dự kiến đến năm 2025, sẽ có khoảng 1.624 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động thì yêu cầu kinh phí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc hàng năm sẽ rất lớn.
Cục Đường bộ Việt Nam dự kiến, tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021-2025 là 9.067 tỉ đồng bình quân 1.813 tỉ đồng/năm. Với số tiền này ngân sách Nhà nước sẽ gặp khó khăn.
Cũng theo Cục Đường bộ, cao tốc là tuyến đường chất lượng cao, nên người sử dụng sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí vận hành phương tiện.
Cụ thể, nếu chạy trên cao tốc lái xe sẽ lưu thông trung bình với vận tốc từ 80-120km/h, trong khi đường quốc lộ chỉ đạt 35-50km/h. Do đó, lưu thông trên đường cao tốc sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển lên tới 60%, giúp tiết kiệm thời gian của hành khách và hàng hóa trên đường.
Thêm vào đó, việc phân tích ba tuyến đường cao tốc đang vận hành là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây so với các tuyến quốc lộ song hành cho thấy nhiều lợi ích.
Cụ thể, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện trên cao tốc sẽ được lợi bình quân 5.265 đồng/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.
“Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 12.348 đồng/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với lợi ích bình quân là 1.974 đồng/km... Như vậy, cao tốc đã mang tới sự tiện lợi cho người dân…”, Cục Đường bộ cho hay.
Trên cơ sở đó, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí. Đồng thời, Cục cũng kiến nghị Bộ GTVT bổ sung phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư vào danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Việc thu phí cũng được tiến hành trên tất cả các đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, nhưng có đường bộ song hành. Mức thu phí được xác định trên cơ sở bù đắp chi phí vận hành, bảo trì, hoàn vốn; phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế xã hội theo từng khu vực.
Tiền thu được thực hiện theo tỉ lệ nguồn vốn đầu tư tham gia vào dự án của Trung ương và địa phương. Tiền cũng nộp thẳng ngân sách Nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách, trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hỗ trợ các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác.