Thực hiện Kế hoạch số 04 của UBND tỉnh về triển khai chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của việc chi trả không dùng tiền mặt cho người có công, thân nhân người có công, người nhận bảo trợ xã hội tại cộng đồng.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thu thập, cập nhật thông tin, vận động đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng mở tài khoản phục vụ cho việc chi trả trợ cấp ưu đãi không dùng tiền mặt. Các địa phương phối hợp với các ngân hàng mở tài khoản cho người hưởng hoặc người được ủy quyền nhận trợ cấp.
Chi trả tiền cho các đối tượng chính sách tại phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: TL |
Đến nay, 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chủ động làm việc với tổ chức dịch vụ chi trả để tiến hành khảo sát, xây dựng phương án, cách thức thực hiện. Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 9.814 đối tượng có tài khoản của người thụ hưởng chính sách, người giám hộ, tài khoản ủy quyền.
Trong đó, thực hiện chi trả qua tài khoản cho 3.248 đối tượng đã có tài khoản ngân hàng. Có 3.090 người có công, thân nhân người có công với cách mạng đăng ký chi trả qua tài khoản cá nhân và tài khoản ủy quyền. Trong đó, thực hiện chi trả qua tài khoản cho 130 đối tượng.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây Phạm Đại Quang cho biết, trên địa bàn huyện có 765 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội. Thực hiện việc chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng, huyện tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của đối tượng thụ hưởng về việc mở tài khoản ngân hàng. Huyện làm việc với Viettel và Ngân hàng NN&PTNT về việc mở tài khoản ngân hàng cho các đối tượng thụ hưởng và đặt máy ATM trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, huyện cập nhật thông tin, mã định danh, căn cước công dân của 100% đối tượng thuộc diện quản lý và thụ hưởng vào hệ thống MIS. Tuy nhiên, việc chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn như: Trên địa bàn huyện chưa có máy ATM; khoảng cách di chuyển đến các điểm rút tiền xa hơn 40km; phần lớn người thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số, sử dụng công nghệ thông tin chưa thành thạo.
Để việc chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng được thuận lợi, huyện đã kiến nghị các ngân hàng bố trí cây ATM, giúp người dân rút tiền dễ dàng hơn.
Thành phố Quảng Ngãi hiện có hơn 16 nghìn người có công và người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội. Qua tuyên truyền, vận động đã có khoảng 1.345 đối tượng đồng ý nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng.
Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Quảng Ngãi Phạm Phới, thành phố đang làm việc với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi về việc mở tài khoản cho các đối tượng thụ hưởng và đặt máy ATM tại các cụm xã, nhằm rút ngắn khoảng cách di chuyển, tạo thuận lợi để người dân sử dụng dịch vụ.
Việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho người thụ hưởng, cơ quan nhà nước và phục vụ công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, tỷ lệ người đăng ký sử dụng dịch vụ còn thấp. Nguyên nhân là do hầu hết người hưởng chính sách an sinh xã hội là người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội nên hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin.
Một số người có tâm lý không muốn ủy quyền, ủy thác cho người khác nhận thay trợ cấp qua tài khoản. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để đối tượng thụ hưởng dịch vụ không dùng tiền mặt tại các địa phương chưa được xây dựng đồng bộ, nhất là ở các huyện miền núi. Khoảng cách di chuyển từ nơi ở đến các điểm rút tiền còn xa...
Theo Bá Sơn (Báo Quảng Ngãi)