Vài ngày qua, chúng ta đã được nghe vô số lời phàn nàn về một mẫu MacBook Pro mới của Apple, vốn được trang bị vi xử lý cao cấp Intel Core i9, nhưng lại rơi vào tình trạng thường xuyên bị quá nhiệt và giảm xung nhịp CPU gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu năng tổng thể của máy.

Vụ việc này bắt đầu bùng lên khi trên YouTube xuất hiện một đoạn video từ người dùng Dave Lee, trong đó anh này cho rằng cách duy nhất để MacBook Pro có thể đạt được hiệu năng đỉnh theo đúng quảng cáo của Apple là...đặt nó vào tủ lạnh. Video này đã nhận được hàng ngàn bình luận như "Wow quá buồn khi nó thậm chí chẳng thể duy trì được tốc độ mặc định nữa", hay "Apple nên bán kèm một chiếc tủ lạnh với chiếc MacBook i9". Nhưng có một sự thật là, điều này không chỉ xảy ra với MacBook Pro mới của Apple, mà là một điều hết sức bình thường trên nhiều laptop, và chúng ta ngày một thấy điều này xảy ra thường xuyên hơn.

Ngày nay, chúng ta thực hiện rất nhiều công việc trên laptop, kể cả những việc hết sức nặng nhọc như dựng hình video, phát triển phần mềm, và xử lý game đồ họa khủng. Nhiều người còn sử dụng những cỗ máy nhỏ gọn này để chạy VR khi không ở văn phòng, hay dựng hình đồ họa chuyển động trên tàu hỏa. Sự chuyển dịch từ desktop sang laptop này đã tác động lên nhận thức của chúng ta về ý nghĩa của "hiệu năng".

Trong thập kỷ vừa qua, độ phổ biến của máy tính để bàn ngày càng giảm, nhưng nhiều tác vụ chúng ta đòi hỏi laptop phải thực hiện đơn giản là không thể cạnh tranh với sức mạnh thuần của một chiếc desktop bởi hình dáng thiết kế của nó. Vấn đề của một chiếc laptop luôn nằm ở chỗ nhiệt lượng tỏa ra khi hoạt động: máy càng chạy nhiều thứ, nhiệt càng tỏa ra mạnh hơn mà không có đủ không gian để đào thải ra ngoài.

Sự chuyển dịch từ desktop sang laptop một phần bắt nguồn từ giới doanh nghiệp và phong trào "mang thiết bị của chính bạn đi làm" - một cách để các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Thay vì trang bị cho mỗi nhân viên một chiếc máy tính, các chủ công ty trao cho họ một chiếc laptop để làm việc ở bất kỳ đâu, hay thậm chí yêu cầu nhân viên...tự mang máy của mình đến văn phòng. Ví dụ, tại VICE Media, hầu hết các nhân viên đều được trang bị laptop của Apple.

Các công ty tiết kiệm được chi phí, bàn làm việc của bạn thì có thêm một docking station mang lại cho bạn cảm giác thoải mái khi được sử dụng một thiết bị đã rất quen thuộc với mình. Nhưng mấy ai nhận ra rằng sự đánh đổi là quá lớn: ngay cả những chiếc laptop cao cấp cũng sẽ rất khó khăn mới hoàn thành được nhiều tác vụ chuyên môn vốn là chuyện nhỏ đối với một chiếc desktop với giá hợp lý hơn nhiều.

Theo đuổi những chiếc laptop mỏng hơn, nhẹ hơn - một trào lưu mà Apple đã khởi xướng - đồng nghĩa với việc chúng ta phải từ bỏ yếu tố quan trọng bậc nhất của một thiết bị điện toán: hiệu năng hoạt động. Và đáng buồn là điều đó sẽ chẳng thể cải thiện trong một sớm một chiều.

Điều gì đang xảy ra?

Hạ xung CPU vì quá nhiệt là điều không chỉ xảy ra với Apple: mọi laptop hiện có trên thị trường đều sẽ đối mạt với những vấn đề về nhiệt lượng vào một thời điểm nào đó, nhưng việc lượng nhiệt đó có thể giải quyết được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm hình dáng thiết kế máy và cơ chế tản nhiệt.

Khi mua laptop, bạn sẽ chú ý rằng các nhà sản xuất như Apple sử dụng các thuật ngữ như "Turbo Boost" và "Lên đến 4.8 GHz" mà không thực sự giải thích chúng có nghĩa là gì. Xung nhịp CPU 4.8 GHz mà Apple giới thiệu về chiếc MacBook Pro 15-inch - là xung nhịp lý tưởng nhất, chỉ có thể đạt được trong một thời gian ngắn khi máy tính yêu cầu, liên quan đến nhiều điều kiện.

Nếu bạn chơi một game như Fortnite, game sẽ yêu cầu vi xử lý cung cấp hiệu năng nhanh hơn, và xi xử lý sẽ cố đẩy xung nhịp dần dần để đạt được hiệu năng tối đa có thể trong giới hạn nhiệt của máy tính.

Hiệu năng tối đa này bị giới hạn bởi năng lượng và nhiệt - chính là nơi chúng ta gặp vấn đề: laptop thường có xu hướng nóng lên vì chúng mỏng hơn, với không gian bên trong máy rất hạn chế không thể giải quyết triệt để số nhiệt kia thông qua việc sử dụng quạt hay tản nhiệt.

Giới hạn nhiệt và thời điểm CPU bị giảm xung vì quá nhiệt xảy ra không giống nhau giữa các chipset. Intel gọi tình trạng giảm xung này là "TCC Activation Temperature". Những thiết lập này không thể thay đổi được, và bị ẩn khỏi người dùng vì một lý do: chúng gây hiểu nhầm, và nếu không nhắc đến chúng những con số "lớn lao" mà chúng ta thấy khi Turbo Boost trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Intel có nêu chi tiết các thông số trong ARK, bao gồm mọi thứ từ kích cỡ CPU đến nhiệt độ tối đa nó có thể đạt được, nhưng lại cố tình loại bỏ số liệu này.

Tùy thuộc vào loại laptop bạn đang sở hữu, số liệu này có thể khác nhau. Với một công cụ như HWInfo cho Windows, bạn có thể thấy được thời điểm TCC Activation được kích hoạt: trên hầu hết các laptop, đó là khi nhiệt độ duy trì ở mức 80-90 độ C trong một thời gian dài. Mức nhiệt độ này có thể thấp hơn nhiều, tuy nhiên điều đó có nghĩa laptop của bạn sẽ càng sớm bị chậm lại khi bắt đầu nóng lên.

Người dùng MacBook Pro có thể sử dụng một công cụ miễn phí để giám sát và tìm ra thời điểm TCC Activation mang tên Intel Power Gadget. YouTuber Linus Tech Tips đã sử dụng công cụ này và phát hiện ra rằng chiếc laptop đắt tiền của Apple đã bị hạ xung CPU khi nhiệt độ ở khoảng 90 độ C, chỉ 20 phút sau khi bóc hộp! Điều này có lẽ sẽ không xảy ra nếu bạn duyệt web, nhưng nếu bạn dùng máy cho một việc nặng nào đó, dù chỉ một khoảng thời gian ngắn, bạn sẽ nhanh chóng "đụng nóc" mà thôi.

Hạ xung CPU vì quá nhiệt là một điều bình thường trong ngành công nghiệp laptop, nhưng nhiều người không hiểu về nó, bởi chiến lược marketing đậm chất lừa lọc của Intel đã che giấu xung thực sự của vi xử lý đằng sau những con số to tắt như "Turbo Boost" hay "Quad Core". 4.2GHz nghe nhanh thật đấy, và chắc chắn là tốt hơn 4.0GHz, nhưng nếu lúc nào cần làm việc nặng, máy lại bị hạ xung, thì con số đó chẳng có ý nghĩa gì cho lắm, chưa kể vi xử lý cũng chỉ "Turbo Boost" lên tốc độ cao nhất đó trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi.

Từ quan điểm của người dùng, việc hạ xung CPU khiến họ cảm thấy như thế này: ban đầu, chiếc laptop của bạn nhanh cực kỳ, nhưng bạn càng làm việc lâu, nhiệt độ càng tăng cao. Khi máy chạm một ngưỡng nhiệt độ nhất định nào đó, laptop sẽ bắt đầu âm thầm hạ xung, và game sẽ bị tụt frame rate, hoặc những việc đòi hỏi tài nguyên hệ thống như dựng hình video sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Đây cũng là lý do các laptop chơi game lúc nào trông cũng cồng kềnh: chúng to để có thể chứa được nhiều phần cứng đảm nhiệm chức năng làm mát hơn. Ngay cả những chiếc laptop chơi game tự xưng là "mỏng và nhẹ" cũng vẫn to hơn thông thường, bởi các phần cứng chuyên về hiệu năng cao đòi hỏi càng nhiều luồng thoát khí càng tốt.

Theo đuổi sự mỏng nhẹ

Apple bị ám ảnh bởi độ mỏng của thiết bị và luôn tỏ ra "thèm khát vô độ" điều này, thể hiện qua những chiếc iPhone và Mac của hãng. Các phần cứng mới của Apple cực kỳ mạnh mẽ, nhưng hình dáng thiết kế lại phản bội chính hiệu năng của chúng, bởi hình dáng thiết kế đó khiến việc tản nhiệt cực kỳ khó khăn.

iFixIt đã "mổ bụng" MacBook Pro 2018 và phát hiện ra vấn đề: từng millimet bên trong cỗ máy này đều chứa đầy phần cứng, chúng chèn ép quạt thổi khí và buộc hãng phải thu nhỏ các bộ phận tản nhiệt vốn nằm ở góc trên của máy. Dù lượng phần cứng tản nhiệt này tương đối đủ cho hầu hết các công việc trên máy, nhưng các công cụ chuyên nghiệp như Blender 3D hay XCode sẽ nhanh chóng khiến nhiệt độ máy "đụng nóc" và hiệu năng sẽ bị sụt giảm.

Ngoài việc làm cho chiếc MacBook trở nên...dày hơn một chút - một điều chắc chắn Apple không bao giờ nghĩ đến - công ty chẳng thể làm được gì nhiều để giải quyết vấn đề. Đây cũng không phải là cỗ máy khó tản nhiệt duy nhất mà Apple tạo ra. Sau nhiều năm kín miệng, vào năm 2017, Apple cuối cùng cũng thừa nhận rằng mẫu Mac Pro cao cấp trở nên chậm chạp là bởi "...chúng tôi đã thiết kế máy với không gian tản nhiệt khá nhỏ..."

Trên các laptop dày hơn, với cùng cân nặng/phân khúc hiệu năng với MacBook 2018, như Dell XPS 15 chẳng hạn, cơ chế tản nhiệt tốt hơn một chút vì bên trông máy có nhiều không gian hơn, nhưng ngay cả chiếc laptop đó cũng gặp vấn đề hạ xung CPU vì quá nhiệt tương tự.

Bởi MacBook mới quá mỏng, nên chẳng có nơi nào để nhiệt thoát ra, và cũng chẳng có mấy cách để tăng cường khả năng tản nhiệt của quạt - kết quả là nhiệt độ tăng cao hơn, còn nhiệt thì không thể bị đẩy ra ngoài.

Một số người dùng doanh nghiệp sử dụng các công cụ như ThrottleStop để undervolt CPU - tức cho phép người dùng hạ thấp điện áp sử dụng của CPU, từ đó giảm nhiệt và có khả năng "vắt" thêm một ít hiệu năng từ CPU. Tuy nhiên, đó không phải là cách giải quyết: chúng ta không có thời gian cho việc đó, và những vấn đề này lẽ ra phải được thông báo cho người dùng trước khi họ mua sản phẩm.

Hạ xung CPU không phải là vấn đề

 

Dù các chiến lược marketing của cả ngành công nghiệp laptop chắc chắn cần phải được điều chỉnh để nói lên sự thật với người dùng, đó thực ra lại không phải là vấn đề cốt lõi: vấn đề là kỳ vọng của những người dùng chuyên nghiệp. Từ các nhà phát triển đến các nhà quay phim, nhu cầu cần thực hiện các công việc đòi hỏi sức mạnh hệ thống trên những chiếc laptop mỏng hơn, nhẹ hơn tăng lên theo từng năm, trong khi lẽ ra họ phải sử dụng các máy tính bàn để làm những việc đó. Những người này thuộc nhóm thiểu số lớn tiếng, với những nhu cầu đặc thù, và có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn.

Máy tính bàn nay đã không còn hợp thời, khi mà người tiêu dùng chuyển sang các loại tablet và smartphone, và việc đồng bộ giữa nhiều máy khác nhau trở nên vô cùng khó chịu. Thật vô lý khi bạn cần một chiếc hộp khổng lồ đặt dưới gầm bàn để có thể làm việc, bởi bạn đã có một siêu máy tính nằm ngay trong túi, vậy tại sao một chiếc laptop không thể làm điều tương tự? Đối với người dùng WIndows và Linux, bạn có thể tự lắp ráp một chiếc PC theo ý mình nếu bạn cần sức mạnh thuần, và chiếc PC đó cũng sẽ có giá khá rẻ. Các fan của macOS không có được đặc quyền đó và phải dựa vào Apple.

Thế nhưng, chiến lược kinh doanh của Apple nay đã không còn hướng về nhóm người dùng đó nữa: các laptop của hãng là những cỗ máy "tất cả trong một" được thiết kế dành cho đại chúng, không phải cho người dùng chuyên nghiệp. Việc người dùng chuyên nghiệp vẫn còn sử dụng Mac là một hiệu ứng phụ của thành công của dòng máy này, và của chất lượng của nhãn hiệu Mac, trong khi trên thực tế, chúng không phải luôn là những cỗ máy tốt nhất phục vụ công việc.

Điều này làm tổn thương nhóm người dùng yêu cầu cao của Apple hơn bất kỳ ai khác, bởi về cơ bản, họ không có nhiều lựa chọn ngoài một số dòng desktop Mac rất hạn chế. Trong bối cảnh bản nâng cấp của dòng Mac Pro vẫn chưa xuất hiện, lựa chọn cao cấp duy nhất lúc này không bị ảnh hưởng bởi vấn đề hạ xung nói trên là iMac Pro vốn có giá siêu cao.

Có một cách khác: các laptop lớn hơn.

Nếu người dùng chuyên nghiệp thực sự đã từng là nhóm khách hàng mà Apple nhắm đến, công ty có thể tái thiết kế các laptop của mình theo hướng sử dụng thiết kế cũ, dày hơn từ thời 2015. Với không gian bên trong máy khá rộng rãi cùng những cải tiến trong thiết kế vi xử lý, chiếc laptop như vậy sẽ có thể tản nhiệt tốt hơn và mang lại hiệu năng cao hơn - nhưng nó sẽ không bao giờ xảy ra. Làm ra những chiếc laptop dày hơn chẳng khác gì Apple tự vả vào mặt và thừa nhận đã thất bại.

Mỏng hơn và nhẹ hơn là rất tuyệt, và thật lòng mà nói, chúng ta ai cũng "thèm" những chiếc máy như vậy. Nhưng với những người cần laptop để làm việc, hiện thực chua chát là chúng không đủ tốt, và chúng ta sẽ phải chào đón những cỗ máy dày hơn với những phần cứng không bị hạ hiệu năng bởi nhiệt. Apple khăng khăng rằng những chiếc MacBook mới đều dành cho người dùng chuyên nghiệp, và dù chúng quả là có thiết kế phần cứng thuộc hàng đỉnh hiện nay, chúng đơn giản là không thể "trụ" vững nếu bạn đòi hỏi quá nhiều.

Có thể nói, MacBook Pro chẳng phải thiết kế dành cho người dùng chuyên nghiệp. Nó là một cỗ máy marketing được thiết kế để bán cho người tiêu dùng...giàu có tự cho là chuyên nghiệp mà chẳng hề để ý đến thứ họ đang mua. ĐIều đó đã quá rõ ràng kể từ khi Apple giới thiệu Touch Bar và loại bỏ khe thẻ nhớ SD mà vẫn kiếm được cả tấn tiền một cách chẳng khó nhọc mấy.

Theo GenK