Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Chìa khóa khai mở, đánh thức dòng chảy “vàng” sông Sài Gòn của tác giả Minh Hà.

Mỗi miền đất đều có một con sông gắn liền với lịch sử, với ký ức... Với ông Nguyễn Kim Toản, CEO Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư chuỗi dịch vụ du lịch đường thủy Saigon Waterbus), miền đất có dòng sông Sài Gòn không phải nơi ông sinh ra, nhưng lại là nơi cơ duyên gắn bó.

“Cơ duyên đến từ đâu đó xa lắm, trong tâm thức. Ta vẫn gọi Tổ quốc mình là đất nước. Nước trong tâm linh người Việt rất lớn: là quê hương, là di sản, là dòng chảy kết nối… Tôi chỉ là một trong những người khai mở”, ông nói. Bởi vậy, dù được xem là người tiên phong cho vận tải giao thông đường thủy Sài Gòn và cả nước, với ông Toản, đó không phải là một sự khởi nghiệp, mà chỉ là một sự kết nối…

w cau thu thiem 2 filtered 1 985 1034 filtered.jpg
Sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn trung tâm TP.HCM và khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Huế

Khơi mở tiềm năng

TP.HCM có gần 1.000km đường thủy địa phương và quốc gia với khoảng 110 tuyến sông, kênh rạch có sẵn. Hệ thống sông, rạch chằng chịt không chỉ kết nối đến khắp các quận huyện nội đô mà còn có thể kết nối đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ không cần phải ra biển. Đó là tiềm năng và thế mạnh hiếm nơi nào có. Trên thực tế, truyền thống “trên bến dưới thuyền” đã gắn với người dân Sài Gòn 300 năm, từ thuở khai thiên lập ấp. “Hiện nay chúng ta vẫn đang tiếp cận những yếu tố tự nhiên, sử dụng tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Nhưng làm sao để khơi nguồn, thúc đẩy dòng chảy này; tạo được giá trị cộng đồng, tạo sản phẩm kết nối bền vững là vấn đề đặt ra không chỉ từ bây giờ, mà ngay từ khi lên ý tưởng hình thành dự án, cùng tầm nhìn mai sau”, ông Nguyễn Kim Toản bắt đầu câu chuyện đánh thức dòng chảy “vàng” sông Sài Gòn bằng nỗi trăn trở đó…

Sinh ra từ một làng chai nhỏ ven biển Bình Định, tuổi thơ ông Toản đã gắn liền với sông nước. Với riêng ông, sông nước còn gắn với hình ảnh người mẹ tần tảo ngày ngày lặn lội ra bến mua cá, về chạp ủ ướp làm ra thứ nước mắm ngon nhất vùng. “Cú hích” và cũng là cơ duyên đầu tiên khiến ông Toản gắn với sông nước Sài Gòn, là khi ông làm việc cho một tỷ phú người Mỹ. Với tầm nhìn của một nhà đầu tư đến từ nước phát triển, vị tỷ phú này đã nhìn thấy tiềm năng vận tải đường thủy vốn đã phổ biến ở các nước châu Âu, và nhiều nước lân cận như Dubai, Thái Lan, Singapore... 

Tuy nhiên, dự án cũng chỉ phục vụ cho một số đối tượng, chủ yếu là khách từ các dự án bất động sản ở Thảo Điền về trung tâm và ngược lại. Nhưng hiệu quả thì thấy rõ: Thảo Điền nhanh chóng nổi lên như một nơi đáng sống của giới nhà giàu, nhộn nhịp các khu phố Tây, tập trung nhiều khách nước ngoài đến làm việc và sinh sống. Ý tưởng xây dựng các tuyến buýt đường sông để kết nối các điểm đến - không chỉ dành cho người giàu, mà còn phổ cập cho đại bộ phận người dân lao động; đã được ông Toản và các đồng sự ấp ủ… 

Dự án khai thác giao thông đường thủy Sài Gòn trình lên không ai phản biện. Nhưng triển khai đến thực tế là cả câu chuyện dài. Không chỉ là vấn đề tiền bạc, phương tiện mà “chìa khóa” quan trọng nhất, theo ông Toản, chính là sự kết nối. Nguyên tắc của hệ thống giao thông là đa vị trí, đa lộ trình, đa đối tượng. Để phát triển và khai thác lợi thế sông nước, cần sự quy hoạch bến bãi đồng bộ ở các địa phương, tầm nhìn của nhà quản lý. “Chìa khóa” này vẫn đang dần mở…

Cuối năm 2017, tuyến buýt sông đầu tiên hình thành. Từ đó đến nay, sông Sài Gòn đã khá nhộn nhịp với các tuyến giao thông vận tải thủy. Mỗi ngày  Saigon Waterbus khai thác hơn 50 chuyến xe buýt đường sông, trung bình 2.500 lượt khách/ngày. Cuối tuần, lượng khách lên đến 3.500-3.700 lượt/ngày. Các chuyến đều lấp đầy 90-100%. Con số này cho thấy, dù dự án chưa hoàn thiện các điểm đón nhưng đã khai thác tốt, được người dân hưởng ứng tích cực. Chỉ riêng tuyến buýt sông đầu tiên gần 11km từ Bến Bạch Đằng-Linh Đông (TP Thủ Đức), lộ trình rút ngắn khoảng 1/3 thời gian so với buýt đường bộ; giảm áp lực lưu thông, kẹt xe, khói bụi… Cái được lớn nhất là người dân và chính quyền đã dần biết, hiểu và cùng hướng đến tầm nhìn phát triển giao thông xanh, thuận thiên, hợp lý… Đây cũng là mục tiêu hướng đến của doanh nhân Nguyễn Kim Toản và đồng sự. Khi được hỏi: “Nếu có 10 giây để nêu từ khóa về dự án khai thác vận tải đường thủy của mình?”, ông Toản nhấn mạnh hai chữ Thuận - Thành: Thuận tự nhiên, thuận lòng dân, thành thực! 

Dịp Tết vừa qua, sau nhiều nỗ lực, Công ty TNHH Thường Nhật đã tạo dấu ấn mới với việc khai trương Bến tàu thủy Thủ Thiêm Saigon Waterbus và công bố vận hành tuyến buýt sông Bạch Đằng - Thủ Thiêm - Bạch Đằng.  Đặt trong khu vực công viên bờ sông Sài Gòn đang được hoàn thiện, Bến tàu thủy Thủ Thiêm Saigon Waterbus là trạm dừng trọng điểm trong việc khai thác mô hình tham quan, du lịch bằng tàu hai tầng; kết nối hai bờ sông Sài Gòn, kết nối lịch sử trên bến dưới thuyền của Sài Gòn 300 năm với TP Thủ Đức hiện đại đang phát triển… Với nhiều người dân Sài Gòn xưa, bến phà Thủ Thiêm mới này còn như một dòng chảy ký ức, một sự “tái sinh” bến phà Thủ Thiêm cũ có tuổi đời hàng thế kỷ… 

Tầm nhìn mới

Buýt đường thủy chỉ là một phần nhỏ trong tham vọng phát triển thương mại dọc theo sông Sài Gòn của ông Nguyễn Kim Toản và đồng sự. Ông Toản trăn trở: Mặc định tính của giao thông vận tải thủy là du lịch tính. Trên bộ có cả trăm ngàn con đường, nhưng trên sông chỉ có một. Trước sông dài biển rộng, con người thường có khát vọng sống, nuôi hoài bão lớn. Đó là giá trị tinh thần. Dòng sông đánh thức những hoài niệm, lưu giữ ký ức cây đa, bến nước, sân đình… Đó là giá trị văn hóa… Tất cả tạo những điều này làm nên sự độc đáo, khác biệt của đường thủy. Dự án chỉ được xem là thành công khi khai thác hiệu quả đồng thời hai định tính này. Các sản phẩm ngoài sử dụng tài nguyên thiên nhiên ban tặng, cần phải được “lợp ngói” phát triển, để phù hợp với xu thế và nhu cầu xã hội. Ngoài Waterbus, còn có WaterGo. 

6d7a1d39edebb45917ff07006146a5c4.jpg
Doanh nhân Nguyễn Kim Toản, người tiên phong khai thác dòng chảy “vàng” của sông SG

Bên cạnh giao thông phổ cập cho 80% đối tượng là người dân lao động thu nhập chưa cao, còn có những sản phẩm dành cho giới nhà giàu, du khách thưởng ngoạn… Phương thức hoạt động cũng đa dạng hơn, từ cách phục vụ đến bố trí, trình bày nội thất; giá cả… Xu hướng thế giới hiện nay là bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, nên để phát triển bền vững phải hạn chế chất thải, rác, sử dụng nhiên liệu sạch. Chẳng hạn như thay động cơ dầu bằng động cơ điện… Mặt khác, để lộ trình di chuyển đa dạng hơn, hạn chế tình trạng “có sông, có thuyền mà không có bến”, doanh nghiệp đã kiến nghị TP.HCM mở thêm nhiều cảng bãi, kết nối các vị trí; gắn kết giữa đường thủy và đường bộ…

Bên cạnh chức năng giao thông, buýt đường thủy có thể kết hợp, nối các di sản, các điểm du lịch, các city tour. Với lịch trình linh hoạt 30 phút/chuyến, các trạm đến như Bình An, Linh Đông, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh… đều có thể trở thành các vệ tinh mở rộng tour khám phá ẩm thực, tham quan thú vị trong ngày. Xa hơn, có các tuyến du ngoạn Sài Gòn cuối tuần, về miệt vườn Trung An (Củ Chi), Lái Thiêu (Thuận An), Long Khánh (Đồng Nai)… Càng thú vị hơn khi có những guide tự nguyện, giới thiệu cảnh quan, lịch sử vùng đất gắn liền với sông Sài Gòn… Những chuyến đi trên sông Sài Gòn sẽ trở thành những điểm hẹn gặp gỡ, du lịch... hấp dẫn. Sẽ có thêm nhiều dự án mới đem lại các giá trị cộng đồng, như dự án “Có hẹn với Sài Gòn” diễn ra vào tối thứ 7 hàng tuần tại Bến tàu thủy Bạch Đằng và trên những chuyến buýt sông từ hai năm nay. Đây là dự án phi lợi nhuận do Saigon Waterbus và Công ty TNHH Đào tạo nghệ thuật Laam (Laam Studio) phối hợp tổ chức, quy tụ giới nghệ sĩ thành phố nhằm đưa âm nhạc đến gần hơn với công chúng; quảng bá văn hóa- du lịch và truyền cảm hứng, năng lượng cho mọi người.

du thuyen 5 sao cao cap saigon princess 1.jpg
Ngắm cảnh đêm trên sông Sài Gòn. (Ảnh. tausaigon)

Chia sẻ tầm nhìn của doanh nghiệp, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, lãnh đạo TP.HCM đã có những chuyến đi thực tế tìm hiểu mô hình, kinh nghiệm phát triển giao thông và du lịch đường thủy ở các nước tiên tiến, nơi có những con sông nổi tiếng chảy qua; để có chính sách phù hợp khai thác lợi thế sông nước. Hiện nay, một quy hoạch tổng thể dọc theo hai bờ sông Sài Gòn đã và đang được hình thành, trả lại các giá trị cảnh quan, vui chơi, giải trí, lịch sử… cho người dân. Các tàu khách quốc tế với lượng khách du lịch lớn có thể vào ngay trung tâm TP tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ, tăng thêm thời gian khách lưu trú tại trung tâm TP; tạo điểm nhấn giá trị về cảnh quan, văn hóa…

Theo quy hoạch, đến năm 2025, TP.HCM mở thêm 5 tuyến du lịch thủy, gồm tuyến Bạch Đằng đi Quận 7, Nhà Bè: tuyến Thanh Đa, Bình Quới trên sông Sài Gòn; tuyến vận tải du lịch từ TP.HCM đi Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu; tuyến phà biển Cần Giờ đi Gò Công Đông (Tiền Giang)… Tuyến du lịch sông Cần Giờ chú trọng đầu tư loại hình du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng - Thạnh An để trở thành địa điểm lưu trú và trải nghiệm du lịch khép kín. TP đã đồng ý 411 vị trí bến thủy nội địa ở TP Thủ Đức và các quận huyện…  

TP.HCM cũng hướng tới phát triển nhiều loại hình, sản phẩm, phương tiện khác nhau, như buýt đường thủy, tải đường thủy, tàu nghỉ dưỡng… Phát triển các hoạt động phụ trợ và dịch vụ hậu cần cho hoạt động đường thủy như trạm cung ứng xăng dầu trên sông; cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tàu thủy; xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng hệ thống vận chuyển đường thủy… Mục tiêu năm 2025 TP.HCM đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch đường thủy/năm, và tăng trung bình từ 10-15%/năm trong những năm tiếp theo. Doanh thu đường thủy đạt 3.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15% những năm tiếp theo. Đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của TP.

Có thể xem “Chìa khóa” đã và đang được xoay theo đúng quy luật. “Cánh cửa” đang dần rộng mở. Dòng sông sẽ tiếp tục khơi thông, đi về phía mặt trời. Một dòng chảy thuận thiên, bền vững như xu hướng phát triển hướng về sông nước, về biển của TP.HCM, và của cả nước.

Minh Hà

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

boxtaitro dongsong.jpg