Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, vấn đề quỹ lớp, quỹ trường "đến hẹn lại lên" - tiếp tục trở thành điểm nóng của ngành giáo dục dù các cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương đã có những chỉ đạo, định hướng nhất định.
Dưới đây, VietNamNet xin giới thiệu bài viết của anh Trịnh Huy Hoàng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) với góc nhìn của người trong cuộc (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).
Bản thân tôi là một phụ huynh bị nhà trường “dán nhãn” là thường xuyên chống đối các khoản thu bất hợp lý của lớp. Con trai tôi cũng ít khi tham gia các lớp học thêm do thầy cô trong trường tổ chức. Nhiều người bạn e ngại cách ứng xử của tôi sẽ khiến con tôi không được thầy cô thương yêu, thậm chí bị phân biệt đối xử. Dù thế, nhưng cá nhân tôi nhận thấy cũng tuỳ thầy cô, không phải bất kỳ ai cũng cư xử như thế với các em học sinh, nên bản thân tôi vẫn kiên trì với quan điểm của mình.
Thục tế thì những khoản thu đầu năm không phải là chuyện lạ và mới đối với đa số phụ huynh có con đang ở trong độ tuổi đi học. Nhưng kỳ thực, đó lại là câu chuyện khá “tế nhị”, do không phải ai cũng đủ dũng cảm lên tiếng phản đối. Cũng bởi, điều duy nhất họ sợ là gây ác cảm với nhà trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến con em mình.
Có một sự thật là đại đa số các cuộc họp phụ huynh vào đầu năm đều được diễn ra trên tinh thần “thống nhất cao” giữa các khoản thu “tự nguyện”. Tuy nhiên, điều mong mỏi của bậc cha mẹ học sinh, khi tham dự các cuộc họp đầu năm đều hướng đến việc muốn biết tình hình con em học tập, rèn luyện các kỹ năng ở trường như thế nào. Thông qua những thông tin ấy, hội phụ huynh sẽ phối hợp cùng thầy cô và nhà trường cùng nhau lựa chọn các phương pháp giáo dục học sinh hiệu quả hơn.
Tuy nhiên trong thực tế, các cuộc họp phụ huynh hiện nay thường chỉ xoay quanh những thông báo chung về thành tích của trường, lớp và thông báo các khoản phải thu theo quy định. Thời gian của cuộc họp cũng có giới hạn nhưng ít khi phụ huynh được trao đổi riêng và trực tiếp với thầy cô giáo về những trường hợp cá biệt để từ đó có sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh nhằm có biện pháp cải thiện và uốn nắn hợp lý. Tuy nhiên, sau phần giới thiệu về thành tích trường lớp của giáo viên chủ nhiệm, phần lớn thời gian dành cho hội phụ huynh làm việc, chủ yếu xoay quanh vấn đề tiền và các khoản thu cần đóng.
Từ thực tế trải nghiệm ở Việt Nam, cá nhân tôi đã rất bất ngờ khi nghe câu chuyện chị tôi chia sẻ về hội phụ huynh tại Nhật. Ban đầu, khi tham dự cuộc họp phụ huynh đầu tiên, sau khi di cư đến Nhật, chị tôi cứ mặc định rằng việc đi họp phụ huynh hẳn sẽ chán lắm, vì chỉ xoay quanh chuyện thu tiền nong hoặc các khoản đóng góp.
Điều đáng ngạc nhiên là suốt cả buổi, nhà trường chỉ tập trung vào việc thảo luận phương pháp và cách thức làm thế nào để cùng gia đình hỗ trợ các con tốt nhất. Hội phụ huynh ở Nhật là tổ chức gắn kết mọi người, tạo điều kiện để các phụ huynh giúp đỡ lẫn nhau trong việc chăm sóc con cái. Hội phụ huynh ở trường cháu tôi học chưa bao giờ kêu gọi đóng góp ngoài khoản quỹ 300 yên, tương đương 60 nghìn đồng. Số tiền này được nhà trường thông báo là chi cho việc in ấn các tài liệu, thông tin gởi đến các em trong suốt niên học.
Tại Nhật, mọi người đều nhận thức rằng nhiệm vụ chung của Hội phụ huynh là đại diện cho tiếng nói của phụ huynh để giải quyết những vấn đề cấp bách. Điển hình như khi họ nhận thấy điều gì không hài lòng trong quá trình học tập của học sinh thì ban đại diện sẽ giúp phụ huynh phản ảnh tới nhà trường đến thanh tra giáo dục. Ban đại diện phụ huynh ở lớp cháu tôi theo chị tôi là những người nhiệt tình và quan tâm đến tất cả các em học sinh trong lớp chứ không ai nhận làm chỉ vì mong muốn con mình được ưu tiên.
Bên cạnh đó, ban đại diện cha mẹ học sinh cũng góp phần hỗ trợ nhà trường nâng cao chất lượng trường học thông qua các chương trình khác như gây quỹ cộng đồng, xin kinh phí tài trợ cho các hoạt động ngoại khoá ở trường hoặc đồng hành cùng nhà trường tổ chức các chương trình hoạt động học tập cho học sinh.
Đáng lưu tâm là hội phụ huynh cũng đồng thời giữ vai trò giám sát, hỗ trợ các con đi học, do học sinh tại Nhật thường có thói quen tự đi đến trường. Ngoài ra, hội phụ huynh cũng hỗ trợ nhà trường trong tổ chức các chương trình ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho các con, như các phiên chợ bán đồ cũ, chương trình thể thao và quyên góp tiền. Với trường hợp, trẻ em gặp vấn đề khó khăn trong ngôn ngữ do mới chuyển sang môi trường mới. Điển hình như cháu tôi, khi mới từ Việt Nam sang không biết tiếng Nhật, nên đã nhận được vô số sự quan tâm nhiệt tình của hội phụ huynh lớp. Bản thân chị tôi và gia đình rất cảm kích về việc này.
Quay trở lại câu chuyện ở Việt Nam, cá nhân tôi cho rằng hội phụ huynh của lớp, đúng nghĩa phải là đại diện, thay thế cho tiếng nói chung của tất cả phụ huynh trong lớp. Nhưng thực tế ngược lại, gần như chỉ là một nhóm nhỏ người trong nhóm có giao tiếp với nhau, còn lại gần như không ai biết ai, bố mẹ của học sinh nào.
Hơn thế, những chi phí họ phát động, kêu gọi đều là tự nguyện nhưng gần như là “mệnh lệnh” mà hầu hết các phụ huynh khác phải thực hiện. Có rất nhiều người trong những buổi họp thường không đồng tình, thậm chí ấm ức với các khoản mục mà hội liệt kê, nhưng lại chẳng dám lên tiếng, vì lo lắng con mình sẽ bị phân biệt đối xử.
Dẫu biết rằng “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, việc đại diện cha mẹ học sinh tặng quà tri ân là điều phù hợp với đạo lý tốt đẹp xưa nay của dân tộc. Nhưng hội phụ huynh không nên vì bày tỏ sự tri ân một cách “quá mức” mà liệt kê ra rất nhiều tiền quỹ lớp, mỗi học sinh đóng tiền triệu cho những chi phí không cần thiết. Cũng bởi, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Khoản tiền đó với những gia đình khá giả, có điều kiện chỉ là số nhỏ, nhưng với phần lớn gia đình mà phụ huynh là công nhân, người lao động… thì thật sự là một gánh nặng.
Vậy nên, ban đại diện cha mẹ học sinh, thầy cô và nhà trường nên có sự cảm thông, lắng nghe để thực sự là cầu nối giữa phụ huynh với nhà trường. Khi tìm được tiếng nói chung, chắc chắn sự gắn kết giữa các phụ huynh, nhà trường và hoạt động của hội phụ huynh cũng sẽ ý nghĩa và hiệu quả hơn rất nhiều.
Trịnh Huy Hoàng