Mỗi lần Tết đến, xuân về, mọi thành viên trong gia đình tôi luôn nhắc đến 3 chữ R - Reuse (sử dụng lại), Reduce (giảm đi) và Recylce (tái chế) để hạn chế việc mua sắm mà không làm giảm đi bầu không khí vui vẻ.
Với Reuse, mọi thành viên trong gia đình sẽ tự kiểm tra lại những vật dụng thiết yếu cho Tết, đặc biệt là trang phục, giày dép hay những phụ kiện đi kèm. Nếu cái nào còn sử dụng được thì tiếp tục sử dụng. Cần thiết thì mới mua sắm.
Còn nhớ năm vừa rồi, đi chúc tết ông bà, con trai tôi vẫn diện chiếc sơ mi được ba mẹ tặng dịp sinh nhật với câu nói “còn mới mà!‘’, con gái thì xúng xính trong bộ đầm màu trắng tinh khôi được ông bà nội khen tặng vì đạt kết quả học tập tốt.
Con gái tôi thường hỏi “chiếc cà vạt này mấy nồi bánh chưng rồi ba?‘’, khi thấy tôi vẫn mang chiếc cà vạt quen thuộc vào dịp Tết.
Với Reduce, gia đình cắt giảm tối đa việc mua thực phẩm dự trữ ngày Tết, bởi đơn giản là hệ thống cửa hàng tiện lợi hay chợ truyền thống hầu như bán xuyên Tết nên không còn thiếu thực phẩm như xưa.
Những món truyền thống để cúng đầu năm là phải chuẩn bị, còn bữa ăn hàng ngày chỉ cần điện thoại và đặt hàng là có người giao tận nơi. Giảm bớt dự trữ thức ăn còn giúp tiết kiệm điện, vì tủ lạnh không phải tốn nhiều công suất hoạt động.
Bếp gas sẽ sử dụng được thêm thời gian khi không phải hâm nóng thức ăn dự trữ nhiều lần khi để qua đêm.
Với Recycle, gia đình tận dụng những vật tưởng chừng như bỏ đi để trang trí phòng khách hay sử dụng trong nhà bếp. Những vỏ lon bia, lon nước ngọt được cắt ngắn làm khuôn bánh.
Những bloc lịch cũ được biến tấu thành mô hình để trên bàn phòng khách, tạo điểm nhấn độc lạ. Độc đáo hơn, cơm nguội được chế biến thành pizza mang thương hiệu nhà tôi để dùng cho bữa sáng đơn giản nhưng tràn đầy năng lượng.
Trong thế giới ẩm thực với những biến tấu lung linh sắc màu của biết bao món ăn, món pizza cơm nguội làm gian bếp nhà tôi càng thêm ấm cúng khi hòa quyện vào đó tình yêu thương lan tỏa và giữ những ngọn gió lành trong không khí hạnh phúc gia đình khi cả nhà cùng chung tay vào bếp vào dịp Tết.
Còn nhiều và rất nhiều việc với ba chữ R trong gia đình tôi vào dịp Tết.
Nói không quá lời, việc thực hiện 3 chữ R là một trong những cách giáo dục con cháu ý thức tiết kiệm bằng hành động thiết thực khi xung quanh mình còn có những người còn khó khăn hơn và quan trọng hơn nữa là, việc sử dụng đồng tiền chân chính và đúng cách.
Tiết kiệm nhưng không bủn xỉn và phải biết chia sẻ khi mình có thể. Thật xúc động khi cái Tết năm nào, con gái dành một ít tiền tiết kiệm để giúp đỡ bạn khi bạn phải nhập viện vào những ngày cận Tết mà gia đình bạn thật sự khó khăn.
Ngày Tết, nghĩ đến việc tiết kiệm ngân sách gia đình bỗng chợt nhớ những câu thơ của Quang Dũng :
Dặn vợ có cà đừng gắp mắm
Bảo con bớt gạo thổi thêm khoai
Nếu ai có bảo rằng hà tiện
Ta chẳng phiền ai, chẳng lụy ai!
Cuộc sống là của chính mình, vì vậy đừng quan tâm đến những gì người khác đề cập đến. Đó là tâm lý lạc quan để vượt qua những khó khăn trên bước đường đời. Gia đình tôi đã thấu hiểu điều này thông qua việc thực hiện ba chữ R vào dịp Tết.
Lê Tấn Thời
LTS: Chi tiêu mua sắm chuẩn bị cho Tết như thế nào, tiêu bao nhiêu để vẫn đủ đầy mà không lãng phí... luôn là những câu hỏi khó trả lời của các gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về.
VietNamNet mở diễn đàn "Tết này, tiêu gì?" để các độc giả chia sẻ cách mua sắm, chi tiêu ngày Tết. Những bài viết chất lượng, chia sẻ cách chi tiêu hữu ích sẽ được VietNamNet đăng tải.
Bài viết của độc giả xin gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn
Hai năm liên tiếp, ông xã không cho tôi về Tết bên ngoại mà chỉ vun vén lo tiền lì xì, quà cho nhà chồng. Không thể nín nhịn, tôi vùng lên đòi quyền lợi, yêu cầu chồng thưởng Tết.