Tỉnh An Giang hiện lưu giữ 8 bảo vật quốc gia, trong số đó Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo lưu giữ 2 bảo vật gồm: Nhẫn Nandin Giồng Cát và Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc.
Nhẫn Nandin Giồng Cát
Theo tư liệu tại nhà trưng bày, Nhẫn Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ thứ V. Hiện vật được phát hiện tại cuộc khai quật di tích Gò Giồng Cát năm 2018, trong khuôn khổ Đề án nghiên cứu khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (văn hoá Óc Eo Nam Bộ) tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn.
Chiếc nhẫn vàng hình tròn trơn. Mặt nhẫn là hình tượng bò đúc khối rất chân thực trong tư thế nằm xếp chân. Hình tượng bò được tạo hình nằm hơi nghiêng về bên phải, sống lưng hạ thấp, mông co lại, bướu (u vai) nổi cao.
Phần đầu ngẩng cao, nhìn thẳng khá thoải mái nhưng trang nghiêm. Cặp sừng cong nhọn hướng lên trên, đôi tai mở rộng, hai mắt to, yếm xếp thành nhiều nếp dưới cổ rất sinh động, khoẻ mạnh.
Lớp da sau đầu (phần gáy và cổ) cũng tạo được nhiều nếp tả thực. Đuôi xếp gọn một cách tự nhiên và thấy rõ chùm lông ở đuôi.
Hai bên thành nhẫn phía sau và phía trước của hình tượng bò được trang trí khắc vạch nét nhỏ hoa văn cánh hoa sen hay hình lá cây trông như hình chiếc đinh ba, kết hợp những đường chỉ song song, giữa các đường chỉ song song là các chấm tròn nhỏ.
Hình tượng bò Nandin là vật cưỡi của thần Shiva (một trong 3 vị thần của Hindu giáo). Nhẫn Nandin Giồng Cát được chế tác với kỹ thuật kết hợp đúc và chạm, là loại hình có số lượng tìm thấy không nhiều trong văn hóa Óc Eo, đặc biệt là nhẫn có mặt hình động vật.
Bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc
Bức Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc (thuộc niên đại thế kỷ III – IV) được khai quật tại di tích Linh Sơn Bắc vào năm 2019. Cho đến nay, đây vẫn là hiện vật độc bản thuộc giai đoạn sớm của văn hoá Óc Eo.
Phù điêu chạm khắc nổi hình Phật trên mặt phẳng một khối đá granite lớn. Bức phù điêu chỉ khắc họa rõ hình tượng Phật đang tọa thiền, còn các chi tiết khác được khắc một cách đơn giản, với đặc điểm nổi bật là mắt khoét sâu to, rộng. Các chi tiết đầu tóc, khuôn mặt và quần áo không rõ nét.
Đức Phật được chạm khắc khi ngồi thiền, hai bàn tay chắp trước ngực trong tư thế thủ ấn vô úy. Trong ấn này, hai bàn tay với các ngón tay duỗi ra hướng về phía trước, ngang tầm vai.
Đây là ấn quyết mà Phật Thích Ca sử dụng ngay sau khi đắc đạo. Hai chân của Đức Phật được khắc trong tư thế ngồi thiền bán già trên bệ, chân phải gác lên bắp chân trái. Phía bên dưới của bức tượng Phật có khắc 3 chữ sanskrit theo phong cách văn tự Brahmi của vùng Nam Ấn Độ.
Với nghệ thuật chạm khắc thô, đơn giản, mộc mạc, chân thực, trực quan sinh động trên chất liệu bản địa chính là điểm khởi đầu cho sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật điêu khắc đá của Phù Nam.