Lời toà soạn: Tại phiên họp chuyên đề của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số ngày 5/6 về “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến” do Bộ TT&TT tổ chức, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã trình bày tham luận,“Chiến dịch 92 ngày đêm, Tổ Công nghệ số cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn từng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, với những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành liên quan đến chuyển đổi số. Sau đây báo VietNamNet xin chuyển đến độc giả toàn văn bài phát biểu này.
Năm 2022 vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã phát động chiến dịch 92 ngày đêm tăng cường cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chiến dịch đã kết thúc rất thắng lợi, để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh liên quan đến chuyển đổi số.
Trong phiên họp hôm nay, tôi xin báo cáo 4 vấn đề: Lý do vì sao chúng tôi mở chiến dịch và mục tiêu đề ra, cách làm, kết quả, một số bài học kinh nghiệm.
Về lý do, trong tháng 5/2022, Bình Phước xét thấy rất nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số, đặc biệt là một số nội dung về dịch vụ công trực tuyến đang ở mức thấp so với toàn quốc cũng như kế hoạch đề ra. Cụ thể, tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh là 27,2%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 21,62%; tỷ lệ hồ sơ quá hạn còn cao là 3,78; tỷ lệ số hóa hồ sơ mới chỉ đạt khoảng 20%; còn báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước trực tuyến còn thấp. Vì vậy, chúng tôi quyết định tổ chức 1 chiến dịch 92 ngày đêm nhằm tập trung nguồn lực, sức mạnh, thời gian giải quyết những công việc đang còn khó ở Bình Phước.
Chiến dịch bắt đầu từ ngày 1/6/2022 và kết thúc vào ngày 31/8/2022, với 5 mục tiêu chính cần đạt của toàn tỉnh đến ngày 2/9/2022 gồm: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ phải đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện; 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, không để hồ sơ chuyển qua trạng thái “Quá hạn”; tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%.
Về cách làm, để triển khai kế hoạch đạt được 5 mục tiêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó một giải pháp quan trọng là phát huy vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, ấp, khu phố.
Cụ thể, đã chỉ đạo thành lập và giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng, với 111 tổ cấp xã và 843 tổ cấp thôn ấp. Trong đó, tăng cường lực lượng đoàn viên thanh niên, giáo viên, học sinh trung học phổ thông tham gia các Tổ công nghệ số cộng đồng, bởi chúng tôi xác định đây là lực lượng có kiến thức, tiếp thu nhanh CNTT, sử dụng phần mềm thành thạo, có sức khỏe và có tinh thần xung kích, tình nguyện.
Thông qua các lớp tập huấn UBND tỉnh đã giao cho Sở TT&TT trực tiếp triển khai, 100% các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đã được hướng dẫn về kỹ năng số, sử dụng các nền tảng số, thương mại điện tử… Đặc biệt, nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOC đã được sử dụng hiệu quả trong việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thời gian vừa qua.
Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đã thực hiện đúng phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, để hướng dẫn cho các hộ dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Chúng tôi cũng đã vận động một số doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tặng smartphone cho các thanh niên tình nguyện để hỗ trợ thêm công cụ cho lực lượng này tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân dùng dịch vụ công trực tuyến. Số smartphone vận động được là 900 chiếc với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Trong quản lý điều hành, Bình Phước đã thành lập nhóm Zalo “Chiến dịch 92 ngày đêm” các cấp tỉnh, huyện, xã nhằm đảm bảo rằng thông tin, số liệu về tiến độ triển khai luôn được cập nhật cũng như những vướng mắc, khó khăn đều được xử lý, tháo gỡ hàng ngày.
Với tinh thần cá nhân hóa trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, thời gian tổ chức chiến dịch, tỉnh Bình Phước thường xuyên có đánh giá để biểu dương hoặc nhắc nhở lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương trong việc triển khai. Ngoài ra, hàng tháng chúng tôi còn tổ chức hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến cấp cơ sở để sơ kết và kịp thời có những biện pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện các nhiệm vụ.
Bằng cách làm kể trên, sau 92 ngày đêm, có tới 4/5 mục tiêu của chiến dịch hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, riêng cấp tỉnh đạt 99,52%, vượt 19,52% so với mục tiêu; bộ phận một cửa cấp huyện đạt 96,39%, vượt 16,39%; văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện đạt 87,97%, vượt 7,97%; và bộ phận một cửa cấp xã đạt 98,86%, vượt 18,86%.
Đối với tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến, ở cấp tỉnh trước chiến dịch là 82,89% và sau là 99,94%; bộ phận một cửa cấp huyện nâng từ 49,94% lên 99,85%; văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện từ 15,13% lên 95,68% và bộ phận một cửa cấp xã cũng nâng từ 87% lên đạt 97,26%.
Cùng với đó, tỷ lệ hồ sơ được số hóa tăng từ 20% lên đạt 100% ở các cấp tỉnh. Tỷ lệ báo cáo trực tuyến của các cơ quan hành chính nhà nước cũng đã đạt trên 50%.
Duy nhất 1 mục tiêu của chiến dịch chỉ xấp xỉ đạt, đó là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến giải quyết đúng hạn. Yêu cầu đặt ra là phải đúng hạn 100% nhưng kết thúc chiến dịch vẫn còn 0,5% hồ sơ chưa được giải quyết đúng hạn. Dù vậy, chúng tôi cho rằng đây vẫn là một nỗ lực lớn, bởi vì trước khi Bình Phước tổ chức chiến dịch này, tỷ lệ hồ sơ quá hạn là 3,78%, sau 92 ngày đêm đã giảm xuống còn 0,5%.
Kết quả đạt được theo 5 mục tiêu đề ra của chiến dịch 92 ngày đêm cho đến nay vẫn được tỉnh Bình Phước duy trì. Không những thế, có những kết quả hiện nay đã đạt cao hơn trong thời gian tổ chức chiến dịch.
Từ quá trình triển khai chiến dịch, chúng tôi đã rút ra được 4 bài học kinh nghiệm, đó là:
Thứ nhất, việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến nói riêng cần có sự đồng thuận, vào cuộc từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có vai trò gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp và phát huy sự hỗ trợ tích cực của các Tổ công nghệ số cộng đồng. Chúng tôi nhận thấy, chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT liên quan đến việc yêu cầu các tỉnh thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng là hết sức phù hợp và phát huy hiệu quả.
Thứ hai, cần huy động các nguồn lực xã hội hóa như hỗ trợ smartphone, biểu dương khen thưởng kịp thời các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, để họ có thêm công cụ hỗ trợ tuyên truyền và yên tâm cống hiến cho các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.
Thứ ba, các lớp tập huấn phải được tổ chức thường xuyên, giúp cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng nắm vững và nâng cao kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ trong hướng dẫn, tuyên truyền người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Cuối cùng là công tác truyền thông. Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí cũng như đài truyền thanh cơ sở đã hỗ trợ hiệu quả cho chiến dịch của Bình Phước.
Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước