Một trong những điều ấn tượng nhất đối với nhiều bạn trẻ hôm nay là hình ảnh của hàng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định cắm cờ giải phóng, tham gia tiếp quản thành phố ngay khi đại quân tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975.
LTS: Sau 55 ngày đêm tiến quân “thần tốc” với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 của quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc vẻ vang sự nghiệp đấu tranh thống nhất non sông.
50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới – “xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam”. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.
Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn thắng lợi của cuộc kháng chiến, là ý chí bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc và thống nhất non sông, là niềm tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Nhìn lại những thắng lợi vẻ vang của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, một trong những điều ấn tượng nhất đối với nhiều bạn trẻ hôm nay là hình ảnh của hàng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn - Gia Định cắm cờ giải phóng trên các trụ sở, cơ quan của Việt Nam cộng hòa, tham gia tiếp quản thành phố ngay khi đại quân tiến vào thành phố.
Lực lượng “thiên biến vạn hóa” theo yêu cầu của cách mạng
PGS.TS Hà Minh Hồng là Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM.
Chia sẻ với PV VietNamNet, PGS.TS Hà Minh Hồng khẳng định cần nhận diện đúng về lực lượng Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Theo ông, Thành đoàn là một tổ chức chính trị quần chúng quan trọng. Trong chiến tranh, đây là một lực lượng đông đảo gồm tuổi trẻ, thanh niên, học sinh và nhiều tầng lớp thanh niên ở Sài Gòn - Gia Định tham gia vào cuộc chiến tranh cách mạng ngay từ đầu, và không chỉ theo phong trào.
PGS.TS Hà Minh Hồng khẳng định cần nhận diện đúng về lực lượng Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Phước Sáng
- Từ khi cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn chiến tranh cách mạng sau phong trào Đồng khởi, các lực lượng nhân dân ở vùng giải phóng và đô thị như Sài Gòn - Gia Định, trong đó tuổi trẻ là thành phần quan trọng, đã đi vào chiến khu và xây dựng thành các lực lượng Thành đoàn có tổ chức.
Thành đoàn gồm nhiều lực lượng, trong đó 3 bộ phận quan trọng nhất là học sinh, sinh viên; thanh niên công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp trong đô thị và vùng tạm chiếm; thanh niên lực lượng vũ trang.
Thanh niên lực lượng vũ trang không chỉ là lực lượng thanh niên trong quân đội, mà còn gồm những thanh niên dân sự tham gia hoạt động chiến tranh. Họ tự trang bị vũ khí, tự tổ chức thành các đội biệt động, đội tự vệ hay các đơn vị khác. Họ không phải là đơn vị vũ trang chuyên nghiệp nhưng làm nhiệm vụ tự vệ, hỗ trợ đấu tranh chính trị và vũ trang.
Theo yêu cầu của kháng chiến, cần có lực lượng nội tuyến và lực lượng cơ sở trong đô thị, Thành đoàn với các lực lượng học sinh sinh viên và thanh niên công nhân đã hoạt động công khai, bán công khai và bí mật, họ tổ chức những phong trào ở trong các đô thị (Tiếng hát những đêm không ngủ, Hát cho đồng bào tôi nghe, Nghe đồng bào tôi nói…). Lực lượng Thành đoàn trở thành một lực lượng hoạt động trên nhiều mặt trận, lực lượng xung kích trong nhiều hoạt động. Vai trò xung kích của tuổi trẻ thể hiện qua lực lượng Thành đoàn, được tổ chức thành các đội, đơn vị, nhóm, tốp…
Có nhận xét rằng lực lượng Thành đoàn “thiên biến vạn hóa” theo yêu cầu của cách mạng. Ông có thể nói rõ hơn về nhận định này?
- Chúng ta có thể thấy trong phong trào đô thị, hoạt động công khai, hoạt động bí mật hay bán công khai, lực lượng Thành đoàn đều xuất hiện với vai trò xung kích.
Trong những bước phát triển nhảy vọt của cách mạng như Mậu Thân 1968, năm 1972-1973 hay đại thắng mùa Xuân 1975, vai trò của lực lượng thanh niên và Thành đoàn đã được thể hiện rõ nét. Tổ chức Thành đoàn lúc bấy giờ là tổ chức của thanh niên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định thông qua các cơ sở Đảng, tổ chức phụ trách lực lượng thanh niên.
Học sinh, sinh viên tham gia phong trào “Đốt xe Mỹ” trên đường phố Sài Gòn. Nguồn: Bảo tàng TPHCM
Thành đoàn gồm nhiều bộ phận, nhất là các đoàn thể và lực lượng chính trị. Các bộ phận đó tham gia vào tất cả hoạt động vũ trang, quân sự, binh vận. Đặc biệt là các bộ phận hoạt động nội tuyến, nắm cơ sở cách mạng trong nội thành, cơ sở trong nhà tù, trại giam… Tất cả cho thấy họ là một lực lượng cách mạng quan trọng của tuổi trẻ ở khu Sài Gòn - Gia Định.
Trong các trận chiến như Mậu Thân 1968 hoặc đại thắng mùa Xuân 1975, lực lượng Thành đoàn nổi bật trong nhiều hoạt động.
Một là, hoạt động vũ trang với nhiều cách thức sáng tạo, lực lượng biệt động của cánh Thành đoàn, trong đó có biệt động của Hoa vận, bộ phận năng động của lực lượng biệt động thành. Các lực lượng này gây tổn thất và kinh hoàng cho địch ngay tại đầu não của chúng.
Hai là, nhiều thanh niên học sinh sinh viên, thanh niên công nhân tham gia lực lượng vũ trang, trở thành chiến sĩ quân giải phóng, tham gia gây dựng cơ sở nội thành, hoạt động bí mật, giữ đường dây liên lạc giữa nội thành và chiến khu, căn cứ Thành đoàn, vùng giải phóng…
Ba là, trong tổng tấn công mùa Xuân 1975, Thành đoàn được phân công phụ trách lực lượng nội tuyến, những cơ sở bên trong, tạo điều kiện để tất cả các lực lượng này phối hợp với các mũi tiến công, thực hiện nổi dậy ở các khu vực ngoại thành và nội đô.
Khi 5 cánh quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh tổng tấn công vào thành phố, lực lượng chính trị quần chúng với nòng cốt là Thành đoàn nổi dậy tiếp ứng tại những khu vực quan trọng (Bàn Cờ, Vườn Chuối, Đa Kao, Tân Định, Phú Nhuận, Khánh Hội - Vĩnh Hội, Tân Phú, Bảy Hiền, Gò Môn, Bình Tân…), lực lượng nổi dậy giành quyền làm chủ, đón đợi lực lượng quân giải phóng vào quân quản.
Sức mạnh nổi dậy đó cùng với sức mạnh tiến công là nhân tố quan trọng để giải phóng Sài Gòn. Chúng ta với hàng chục vạn quân sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù nếu chúng tử thủ, nhưng đã buộc kẻ thù đầu hàng không điều kiện và không gây tổn thất đổ máu như địch vẫn tuyên truyền. Sài Gòn vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Lực lượng Thành đoàn thể hiện rõ truyền thống đấu tranh bất khuất. Họ cũng là những người đầu tiên tiếp quản, giữ gìn thành phố, chuyển thành phố vào trạng thái hoạt động bình thường ngay sau khi chiến tranh kết thúc.
Các từ khóa không thể thiếu
Từng có hàng chục năm giảng dạy về lịch sử với nhiều thế hệ sinh viên, điều ông mong muốn lớp trẻ hiểu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói chung và Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng là gì?
- Lớp trẻ có nhiều cách để tiếp cận thông tin về chiến tranh qua phim ảnh, thông qua tài liệu trong nước, nước ngoài... Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ, nhất là tuổi trẻ học đường hãy biết tìm kiếm và chọn lọc những thông tin chính thống.
Các bạn hãy lý giải đúng việc chúng ta giải phóng miền Nam, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình là hết sức cần thiết và có đặc trưng riêng. Việc giải phóng Sài Gòn còn nguyên vẹn là một đặc trưng riêng.
Chúng ta phải hiểu rõ sự kiện ngày 30/4/1975 không phải tự nhiên mà có, càng không phải là việc “ăn may”. Ngày 30/4/1975 là ngày hòa bình thống nhất đất nước, logic là như vậy.
Lực lượng học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định thể hiện rõ truyền thống đấu tranh bất khuất. Ảnh tư liệu
Ngày nay có nhiều cuộc chiến tranh đang diễn ra và rất khó kết thúc, rất khó tái lập hòa bình. Họ nhìn Việt Nam giải phóng ngày 30/4/1975 trong đó kẻ thù đầu hàng vô điều kiện và Sài Gòn còn gần như nguyên vẹn - là một mẫu hình đấy. Người Việt Nam ta cần hiểu được bản chất của vấn đề là kết thúc chiến tranh trong điều kiện như thế nào (phải có sức mạnh nội sinh - của quân đội và nhân dân); cuộc chiến tranh nào cũng đều phải kết thúc, nhưng quan trọng là kiểu nào, có kết thúc như kiểu Việt Nam không?
Theo ông, nếu có thể chọn một số từ khóa để giới trẻ ghi nhận về chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, ông sẽ chọn những từ khóa nào?
- Theo tôi, từ đầu tiên chắc chắn phải là "thần tốc và táo bạo".
Đâylà cụm từ xuất phát từ mệnh lệnh ngày 8/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút từng giờ xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng".
"Thần tốc và táo bạo" là một bài học, một kinh nghiệm, nó vừa là sức mạnh vật chất vừa là sức mạnh tinh thần, vừa là ý chí của toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, để chúng ta tiếp tục phải "thần tốc", phải "táo bạo".
Từ thứ hai là “toàn thắng”.
"Toàn thắng" là từ nói đến ngày 30/4/1975, toàn thắng một cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, toàn thắng của cả dân tộc đã có sức mạnh “Một ngày bằng 20 năm”; Toàn thắng chiến dịch Hồ Chí Minh, toàn thắng của toàn dân, toàn quân, toàn Đảng sau 20 năm kháng chiến, toàn thắng là kết thúc hoàn toàn cuộc chiến tranh lập lại hòa bình….
Từ thứ ba là “nguyên vẹn”.
Chúng ta cần hiểu thế nào là "nguyên vẹn" trong một cuộc chiến tranh với nhiều người hy sinh?
Theo thống kê, từ chiều ngày 26/4/1975 (nổ súng chiến dịch Hồ Chí Minh) đến lúc cắm cờ trên dinh Độc Lập (11h30 ngày 30/4/1975), có 1.447 người đã ngã xuống cho ngày toàn thắng. Trong đó, đa số là hy sinh của các lực lượng tiến công (trận cầu Rạch Chiếc ngày 28-29/4 có 52 cán bộ chiến sĩ hy sinh), chỉ có 1 người là cơ sở cách mạng trong lực lượng nổi dậy. Đó là sự nguyên vẹn cho người dân.
Trong ngày 30/4/1975, Sài Gòn cũng “nguyên vẹn”, không đổ nát. Có 2 lý do chính khiến Sài Gòn giữ được nguyên vẹn.
Thứ nhất, quân giải phóng đã áp sát, đánh thẳng vào đầu não địch theo các hướng tiến công toàn diện, thọc sâu, đánh hiểm phản ánh sức mạnh và nghệ thuật quân sự của Việt Nam khiến kẻ địch không thể tử thủ được nữa, buộc phải đầu hàng không điều kiện.
Thứ hai, lực lượng tiến công ấy kết hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ buộc địch ở các vị trí còn lại, không cho chúng cố thủ hay phá hoại trước khi phải đầu hàng góp phần không nhỏ vào việc giữ thành phố còn nguyên vẹn khi kết thúc chiến tranh.
Và cụm từ nữa là “hòa bình thống nhất”.
Ngày 30/4/1975 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, Bắc Nam sum họp, giang sơn liền một dải (thống nhất non sông). Từ đó dẫn đến tháng 11/1975 tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị, dẫn đến Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội thống nhất, kỳ họp đầu tiên Quốc hội thống nhất (tháng 7/1976) bầu ra Quốc hội mới, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, đến đây mới hoàn thành sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước (hoàn chỉnh về mặt nhà nước).
Ngày 30/4/1975 là ngày thống nhất giang sơn, thống nhất hai miền. Cụm từ "hòa bình thống nhất" cần được hiểu đúng với thực tế như vậy.
PGS.TS Hà Minh Hồng: Trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình, do yêu cầu khẩn trương của tình hình cách mạng, những quyết sách, mệnh lệnh của Trung ương, Trung ương Cục, của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đều hết sức ngắn gọn, súc tích, kịp thời với diễn biến tình hình lúc đó.
Nghị quyết đặc biệt của Trung ương Cục ngày 29/3/1975 chỉ chưa tới 3.000 từ tạo điều kiện cho các địa phương chủ động đứng lên tự giải phóng. Điện của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ có 31chữ “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.
Đương nhiên, cũng có những điều chưa thể lường trước hết được, như sự tan rã của nửa triệu quân địch trên một khu vực rộng lớn của Nam Bộ, Sài Gòn và các tỉnh lân cận, trong khi một số tỉnh đã giải phóng, một số tỉnh chưa giải phóng.
Việc buộc Tổng thống chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện rõ ràng là không có “kịch bản”. Cả việc trước đó áp giải ông Dương Văn Minh từ dinh Độc Lập đi sang đài phát thanh là táo bạo, cần thiết. Việc soạn thảo văn bản đầu hàng và tiếp thu sự đầu hàng, thu âm những lời đó và phát trên đài phát thanh… đều không lường trước.
Dù là lần đầu tiên xử lý tình huống như vậy, những cán bộ chiến sĩ quân giải phóng của chúng ta đã xử lý trực tiếp, tại chỗ, kịp thời và rất tuyệt vời. Những việc này thể hiện rõ bản lĩnh chính trị của đội quân cách mạng, thấm nhuần đạo lý dân tộc và truyền thống lấy đại nghĩa làm trọng, thực hiện khoan dung, “mở đường hiếu sinh” (như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã viết). Trước giờ phút sinh tử của chính quyền và quân đội Sài Gòn, đội quân chiến thắng đã thực hiện bắt buộc và cho phép đối phương “cởi giáp ra hàng”.
Những quyết sách và cách xử lý ở thời điểm đó của những người cách mạng cho thấy sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động, dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, đúng với đạo lý của dân tộc, đúng với truyền thống nghệ thuật quân sự của cha ông xưa.
Khi viết huyết thư xin nhập ngũ, ông Nguyễn Đức Thọ không thể ngờ sau này mình lại trở thành chiến sĩ đặc công nước, bắn phát B40 đầu tiên của một trong những trận đánh cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Hàng ngày, người dân ở một con hẻm trên đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, TPHCM thấy một cụ ông gần trăm tuổi quét dọn cả đoạn hẻm chung dài vài chục mét.