LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.

Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VietNamNet cũng mời độc giả gặp lại các chứng nhân hiếm hoi còn lại trong những thời khắc lịch sử.

Ở hai đầu nỗi nhớ

Ngược dòng thời gian, những ký ức thời cuộc trở về trên ánh mắt đượm buồn của ông Lữ Công Bảy (78 tuổi) - thượng sĩ giám lộ một thời trên tàu khu trục của Việt Nam cộng hòa khi gặp chúng tôi tại nhà riêng ở TP Thủ Đức, TPHCM. 

Ông Bảy sinh ra ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Gia đình ông có 8 anh em, gồm 6 nam và 2 nữ. 

Cha ông là giáo viên và tham gia kháng chiến, giành chính quyền Bến Tre năm 1945. Anh hai Lữ Công Trực và anh ba Lữ Công Thiểu của ông cũng vào bưng, theo kháng chiến từ hồi 9 năm đánh Pháp.

Năm 1949, cha của ông được tổ chức cho về Sài Gòn để chữa bệnh phổi và bí mật hoạt động phục vụ kháng chiến. Đó cũng là lúc gia đình ông Bảy theo cha về Sài Gòn sinh sống. 

IMG_DFA192600866 1.jpeg
Ông Lữ Công Bảy bên mô hình khu trục hạm mà ông từng phục vụ trước năm 1975. Ảnh: Hồ Văn

Ông Bảy kể, năm 1960, khi cha ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam, gia đình bắt đầu rơi vào tình cảnh khó khăn. Má ông phải đi ở đợ kiếm tiền nuôi con. Ông Bảy và các chị em còn lại người thì gánh nước mướn, người bán cà rem dạo và làm đủ thứ nghề để phụ má. 

Tới năm 1965, ông Bảy đi quân dịch. Nhờ học tốt nên ông được tuyển vào hải quân, làm giám lộ trên tàu khu trục. Người anh trên ông - Lữ Công Văn làm lính nhảy dù, và 2 em trai ông cũng lần lượt đi lính. Trong đó, cậu em kế làm kỹ thuật viên sửa chữa máy bay, em út vào thủy quân lục chiến nhưng chưa kịp tham chiến thì hòa bình lập lại.

"Nhiều lần, ba khuyên tụi tôi đi quân dịch thì phải tìm mọi cách làm ở bộ phận kỹ thuật, tránh cầm súng ra chiến trường” - ông Bảy nhớ lại.

Cũng theo ông Bảy, anh ba Lữ Công Thiểu khi đang là tham mưu phó Tỉnh đội Long Châu Hà có lần gửi thư về cho gia đình. 

"Trong thư, anh không trách móc gì chúng tôi. Anh bảo vì thời cuộc các em phải đi lính phía bên kia, nhưng phải ráng làm lính kỹ thuật, đừng cầm súng chĩa vào anh em, đồng bào mình. Anh cũng nói rất tin và yêu thương chúng tôi. 

Còn anh hai Lữ Công Trực, khi đó đang là chính trị viên một tiểu đoàn pháo binh của miền Bắc chiến đấu ở vùng đất lửa Quảng Trị, cũng luôn căn dặn chúng tôi như lời của cha" - ông Bảy bồi hồi chia sẻ. 

Ở lại vì tình yêu thương và niềm tin

Khi nhắc lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến - những ngày mà “bên thua cuộc” tìm cách di tản trong sự hỗn loạn và lo lắng, ông Bảy nghẹn giọng. 

“Trước ngày 30/4/1975, chỉ huy chiến hạm nói với cấp dưới là sẽ dùng tàu di tản ra nước ngoài, ai muốn đi thì đi, ai muốn ở lại thì tùy.

Là giám lộ, tôi phải ở lại đến đêm cuối cùng, đảm đương kỹ thuật chuẩn bị cho tàu khởi hành. Nhưng trước khi chuyến cuối ra khơi, tôi đã quyết định ở lại bởi lúc đó, cảm giác thương yêu bỗng cuộn trào.

Phía sau con tàu, tôi còn có gia đình, các anh em và người cha già không thể rời xa”.

Chọn ở lại, nhưng trong lòng ông Bảy ngổn ngang lo lắng. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, ông vui và có niềm mong mỏi đoàn tụ với các anh mình ở bên kia chiến tuyến. 

“Tôi nhớ như in ngày đầu tiên kết thúc cuộc chiến, không còn tiếng súng, không còn người phải chết và lòng chợt thanh thản. Trong tôi lúc đó chỉ mong được gặp lại 2 anh. Tôi tin họ đang về Sài Gòn, và chúng tôi sẽ trùng phùng như mong ước của mẹ trước khi lìa trần".

Ngày đoàn tụ

Sau ngày 30/4/1975, ông Bảy chia tay cha già rồi xuống Long Xuyên, An Giang tìm anh trai Lữ Công Thiểu.

"Đó là thời khắc tôi không thể nào quên. Khi gặp mặt, anh em chúng tôi ôm chặt lấy nhau, miệng thì cười nhưng nước mắt cứ tuôn rơi, khóc không thành tiếng” - kể lại câu chuyện cũ sau 50 năm, ông Bảy vẫn nghẹn lời.

Trong buổi tâm sự đầu tiên của hai anh em, có "chuyện lạ" là không ai nhắc đến trận mạc, bom đạn mà chỉ kể chuyện xưa, chuyện những ngày tắm sông bắt cá...

Đến giữa tháng 7/1975, ông Lữ Công Trực mới vào Sài Gòn và tìm gặp 3 người em trai từng đi lính phía bên kia. 

“Sau 20 năm chia cách chiến tuyến, khi gặp lại, anh hai không la, không trách móc gì chúng tôi. Anh bảo gặp được các em còn sống là mừng rồi” - ông Bảy kể.

Đất nước thống nhất, anh em ông Bảy được gặp nhau nhưng sau đó mỗi người mỗi hướng, vì công việc hậu chiến ngổn ngang. 

Ông Bảy được cách mạng lưu dụng, tham gia điều khiển chiếc dương hạm HQ503 để vận chuyển người tù từ các đảo về. 

Người em là kỹ thuật viên sửa chữa máy bay tiếp tục được làm ở sân bay Trà Nóc, Cần Thơ. Em út là lính thủy quân lục chiến thì cởi áo lính, về lái xe cho một công ty ở An Giang.

Phải đến ngày 13/8 âm lịch năm 1975 - ngày giỗ của mẹ ông Bảy, cả gia đình mới có dịp trùng phùng thật sự đầy đủ. Đó cũng là một ngày rất xúc động. 

"Chúng tôi cùng thắp nén nhang lên bàn thờ, nói với má rằng đã về cùng nhau như ước nguyện của bà.

Hồi còn sống, bà vẫn luôn tin anh em chúng tôi sẽ đoàn tụ. Dù ở 2 đầu chiến tuyến, chúng tôi cũng có niềm tin mãnh liệt như má”.  

Hiện nay, 5 người anh em của ông Bảy đã mất. Vợ chồng ông ở Thủ Đức. Cả 4 con trai của ông đều có cuộc sống ổn định.