Trong bối cảnh quân đội Israel đang mở rộng các hoạt động tấn công trên bộ ở Gaza, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết: “Chúng tôi đã đặt ra 2 mục tiêu cho cuộc xung đột: loại bỏ Hamas bằng cách phá hủy khả năng quân sự và quản lý của tổ chức này, đồng thời làm mọi thứ có thể để đưa các con tin của chúng tôi về nhà”.
Israel xúc tiến chiến dịch “Các thanh gươm sắt” nhằm đáp trả việc các tay súng Hamas bất ngờ đột kích lãnh thổ nước này hôm 7/10, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng. Tổng tham mưu trưởng Israel cho biết, quân đội nước này đang chiến đấu "vì các quyền của nhà nước Do Thái và quyền của các thế hệ tương lai được sống an toàn, thịnh vượng trên quê hương của mình”.
Theo BBC, Washington ủng hộ mục tiêu chấm dứt sự thống trị của Hamas tại Gaza. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken coi ý tưởng để Hamas tiếp tục nắm quyền tại dải đất nhỏ hẹp này và gây ra mối đe dọa cho Israel là "không thể chấp nhận được".
Chính phủ Israel từng tiết lộ, sau khi đạt được mục tiêu đánh bại Hamas, họ nhắm đến việc rút hoàn toàn khỏi Gaza. Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đề cập đến một "chế độ an ninh mới", trong đó Israel không chịu trách nhiệm về cuộc sống hàng ngày của các cư dân tại đây.
Các mục tiêu hiện tại của Israel có vẻ tham vọng hơn nhiều so với những kế hoạch trước đây của họ cho Gaza và có thể kéo dài nhiều tháng. Song, chúng có thực sự khả thi?
Nhà phân tích quân sự Amir Bar Shalom của Đài phát thanh quân đội Israel bày tỏ: “Tôi không nghĩ Israel có thể loại bỏ mọi thành viên Hamas, vì đó là tư tưởng của Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, họ có thể làm suy yếu tổ chức hết mức có thể để nó không còn khả năng hoạt động nữa”.
Làm suy yếu Hamas đến mức nhóm không thể tạo ra mối đe dọa quân sự cho người Israel được nữa, có thể là mục tiêu khả thi hơn. Israel đã trải qua 4 cuộc xung đột với Hamas và mọi nỗ lực ngăn chặn các vụ tập kích bằng tên lửa từ nhóm này đều thất bại.
Michael Milstein, người đứng đầu diễn đàn nghiên cứu về người Palestine của Đại học Tel Aviv nhất trí rằng, việc loại trừ Hamas sẽ rất phức tạp, khi nhóm là một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo, có ảnh hưởng đến các phong trào Hồi giáo trên khắp thế giới. Hơn nữa, ngoài Lữ đoàn Izzedine al-Qassam, nhánh vũ trang của Hamas với hơn 25.000 tay súng, nhóm còn có thêm 80.000 – 90.000 thành viên trong mạng lưới phúc lợi xã hội của mình.
Chiến dịch đầy rủi ro
Theo giới quan sát, chiến dịch quân sự của Israel hiện đối mặt với một số thách thức có thể làm chệch hướng.
Lữ đoàn Izzedine al-Qassam đang sử dụng một mạng lưới đường hầm rộng khắp Dải Gaza là nơi ẩn nấp để các chiến binh và tay súng bắn tỉa có trang bị súng chống tăng tấn công quân Israel. Việc phải chiến đấu với kẻ thù dưới các hầm ngầm dường như đã làm giảm bớt các lợi thế công nghệ trên mặt đất của binh lính Do Thái.
Ngoài ra, chiến dịch tiến đánh Dải Gaza trên bộ liên quan đến giao tranh ở các đô thị có mật độ dân cư đông đúc, gây rủi ro lớn cho hơn 2 triệu người dân sống ở đây. Các quan chức y tế địa phương thống kê, hơn 10.000 người Palestine đã thiệt mạng, gần 25.000 nạn nhân khác bị thương và hàng trăm nghìn cư dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi Tel Aiviv tiến hành các vụ tập kích đáp trả Hamas.
Kể từ khi Tel Aviv mở rộng các hoạt động tấn công trên bộ vào ngày 27/10, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cũng mất ngày càng nhiều binh sĩ trong chiến đấu. Người Israel được cảnh báo chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài và IDF đã huy động tới 360.000 quân dự bị làm nhiệm vụ.
Câu hỏi đặt ra là, Israel có thể tiếp tục chiến dịch của họ trong bao lâu trước sự gia tăng áp lực đòi ngừng bắn của quốc tế, trong bối cảnh Liên Hợp Quốc không ngừng cảnh báo về thảm họa nhân đạo nghiêm trọng khi Gaza bị cắt các nguồn cung cấp nước, điện và nhiên liệu.
Yossi Melman, một trong những nhà báo hàng đầu của Israel về tình báo và an ninh nhận định, chính phủ và quân đội nước này cảm thấy họ nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo phương Tây. Nhưng chuyên gia Milstein lưu ý: “Mọi chuyện rất phức tạp vì cần thời gian và chính quyền Mỹ sẽ không cho phép quân Israel ở lại Gaza trong 1 - 2 năm".
Nhiệm vụ giải cứu các con tin
Một rắc rối khác là IDF còn có nhiệm vụ giải cứu hơn 240 con tin đã bị các tay súng Hồi giáo bắt cóc và giam giữ ở những địa điểm không xác định trên khắp Gaza. Nhiều con tin là người Israel, nhưng trong số đó cũng có một lượng lớn công dân nước ngoài và người mang hai quốc tịch, bao gồm cả Mỹ, Pháp và Anh. Giống như Tel Aviv, chính phủ các nước cũng chịu sức ép phải đảm bảo việc họ được phóng thích an toàn.
Tổng thống Israel Isaac Herzog tuyên bố, ưu tiên hàng đầu của nhà nước Do Thái là đưa các con tin về nước. Song, Đại tá Michel Goya, chiến lược gia người Pháp nhận định, IDF đã có lựa chọn hoặc đảm bảo tính mạng cho các con tin hoặc mạnh tay "gây tổn hại cho Hamas nhiều nhất có thể".
Yahya Sinwar, một lãnh đạo chính trị của Hamas tuyên bố, nhóm sẵn sàng trao đổi tất cả con tin lấy hàng nghìn tù nhân Palestine đang bị giam trong các nhà tù của Israel. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy khó có khả năng xảy ra.
Phản ứng của các nước láng giềng
Một yếu tố cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian và kết quả của chiến dịch tấn công trên bộ là cách các nước láng giềng của Israel phản ứng.
Cửa khẩu biên giới Rafah của Ai Cập với Gaza đã trở thành điểm tập kết các chuyến hàng nhân đạo cho dải đất này. Hàng trăm người mang hộ chiếu nước ngoài và một số người bị thương đã được phép rời đi, nhưng vẫn còn nhiều người ở lại.
Chuyên gia Ofir Winter thuộc Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Israel nói, người dân Gaza càng đau khổ vì chiến dịch quân sự của Tel Avivi, Ai Cập càng phải đối mặt với nhiều áp lực hơn phải chứng tỏ nước này không quay lưng lại với người Palestine.
Song, Cairo không muốn chứng kiến làn sóng di cư ồ ạt tới bán đảo Sinai ở phía bắc đất nước. Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi cảnh báo, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa người Gaza đến Sinai sẽ khiến hàng triệu người Ai Cập "đổ ra đường biểu tình phản đối”. Vua Abdullah của Jordan cũng nói về “lằn ranh đỏ” cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm đẩy người tị nạn Palestine ra khỏi Gaza.
Biên giới phía bắc của Israel với Lebanon cũng đang được giám sát chặt chẽ. Quân đội Do Thái và nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon thường xuyên đọ súng xuyên biên giới kể từ khi xung đột Israel – Hamas bùng phát cách đây một tháng. Nhà chức trách đã cho sơ tán các cộng đồng dân cư ở cả hai bên biên giới.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah nhấn mạnh, nhóm đang xem xét mọi lựa chọn. Tuy nhiên, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy mặt trận chống Israel đang mở rộng ở phía bắc.
Iran, nước bị cáo buộc là nhà tài trợ chính cho Hezbollah, đã đe dọa "các mặt trận mới" chống lại Israel. Trong khi, nhóm nổi dậy Houthi được Tehran hậu thuẫn ở Yemen cũng phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) về phía lãnh thổ quốc gia Do Thái.
Các diễn biến làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng hơn ở Trung Đông, dẫn đến những hậu quả khó lường. Giới quan sát cho rằng, nếu không tính toán cẩn thận, kể cả kế hoạch tương lai cho Gaza sau xung đột, Israel khó có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra. Một số nhà phân tích thậm chí không loại trừ nguy cơ người Israel “giải quyết được một vấn đề để rồi chứng kiến 10 vấn đề mới nảy sinh”.