Sau tuyến bài phản ảnh Mạo danh bác sĩ, bệnh viện trên không gian mạng, VietNamNet đã nhận được các phản hồi của một số bệnh viện tại TP.HCM trước vấn nạn này.

Sẽ khởi kiện nếu tiếp tục vi phạm

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị, Bệnh viện Quân y 175, cho biết hành vi mạo danh bệnh viện và giả mạo bác sĩ đã diễn ra một thời gian dài. Bệnh viện đã phối hợp với các cơ quan báo chí để cảnh báo người dân để tránh những hậu quả tiêu cực về sức khỏe, thậm chí tính mạng.

Đại tá Tuấn khẳng định Bệnh viện Quân y 175 chỉ thực hiện khám chữa bệnh ở một địa chỉ duy nhất. Tất cả các cơ sở  khám chữa bệnh hay thẩm mỹ khác, quảng cáo có liên quan đến bệnh viện 175 đều không đúng sự thật.

Trong giai đoạn này, bệnh viện đã liên hệ trực tiếp với cơ sở, cá nhân có hành vi mạo danh để nhắc nhở không được vi phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín bệnh viện. Đồng thời, phối hợp với cơ quan công an can thiệp trong một số trường hợp.

“Trong thời gian tới, nếu vẫn còn các cơ sở mạo danh bệnh viện để trục lợi và lừa đảo, Bệnh viện Quân y 175 sẽ gửi đơn khởi kiện lên cơ quan chức năng để được giải quyết”, ông chia sẻ. Đại tá Tuấn cũng khẳng định bệnh viện đang thực hiện các biện pháp mang tính pháp lý nghiêm khắc hơn trước vấn nạn trên.

Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị, Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: GL.

“Chúng tôi đang tiến hành các bước để đăng ký bảo hộ thương hiệu bệnh viện, sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất. Khi đó, tất cả các hành vi mạo danh bệnh viện hay bác sĩ của viện, chúng tôi sẽ đề nghị xử lý bằng pháp luật”, đại tá Tuấn nói.

Ngoài ra, khi nghi ngờ một cơ sở mạo danh, người dân có thể liên hệ đến đường dây nóng 19001175 của Bệnh viện Quân y 175 để làm rõ. 

Hậu quả nguy hiểm của nạn mạo danh bác sĩ, bệnh viện trên mạng

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), cơ sở y tế công lập này đã đăng ký bảo hộ thương hiệu từ lâu nhưng vẫn là nạn nhân của chiêu mạo danh trên mạng. Hậu quả lo ngại nhất là sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, thương hiệu lâu năm của bệnh viện bị tổn hại. Ngay cả người quen của ông cũng là nạn nhân.

Theo đó, khi bị đi tiêu ra máu đi, người này đến một phòng khám tư nhân và được chẩn đoán mắc bệnh trĩ, được tư vấn bôi thuốc theo phương pháp “kỳ bí gia truyền”. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện. Đến khi tìm đến Bệnh viện Bình Dân, người này nhận kết quả bị ung thư trực tràng giai đoạn T3, đã di căn.

Mới đây, một bệnh nhân đã đến phòng khám tại quận Gò Vấp, được giới thiệu có bác sĩ Tiến Dũng - Bệnh viện Bình Dân khám sau 16h. Với chẩn đoán viêm đường tiết niệu, người bệnh được tư vấn cắt bao quy đầu, súc rửa niệu đạo. Trong quá trình thăm khám, người này nghi ngờ quảng cáo giả mạo nên từ chối điều trị. Anh đến tận Bệnh viện Bình Dân tìm bác sĩ Dũng để… truy hỏi sự thật.

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng bức xúc trước nạn mạo danh bác sĩ và thương hiệu Bệnh viện Bình Dân. 

“Tôi khẳng định không liên quan đến phòng khám đó. Theo quy định, ngay cả khi sang bệnh viện công lập khác để hội chẩn, chúng tôi phải theo quy trình chặt chẽ. Ví dụ, Bệnh viện A gửi công văn hội chẩn sang Bệnh viện Bình Dân, Ban giám đốc phân công đi, chúng tôi mới được phép đi”, bác sĩ Dũng nói.

Trước thực trạng trên, bác sĩ Dũng cho rằng người bệnh từ các tỉnh thành đến TP.HCM vì mong muốn được thăm khám bài bản, chính thống và nhận sự điều trị tốt nhất. Thế nhưng, nhiều người lại bị lừa đến một cơ sở khác. Đó là thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Bản thân bệnh viện cũng bị ảnh hướng lớn đến uy tín mà các thế hệ y bác sĩ gây dựng suốt hàng chục năm qua. 

“Bác sĩ, chuyên gia của bệnh viện cũng thường xuyên cảnh báo trên Facbook cá nhân để người dân biết. Nhưng thực sự, viết bao nhiêu cho vừa”, ông bức xúc.