Sáng 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề nhằm rà soát lại công việc liên quan đến Luật Quy hoạch và hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội về nội dung này.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, đây là việc mới, khó nên quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, các cơ quan đã tích cực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý và có không ít việc chưa làm được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Việc lập các quy hoạch tuy đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng nhìn chung vẫn còn chậm so với yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, với quyết tâm cao, phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất các cấp có thẩm quyền trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.

Đề nghị cho phép chỉ định thầu lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng

Qua thảo luận, các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới vào kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới đây theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch trên cơ sở bám sát hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Về lâu dài phải tiếp tục sơ kết, tổng kết, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.

Các nội dung chủ yếu trình Quốc hội bao gồm việc đề xuất điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó lựa chọn một số quy hoạch cần ưu tiên phải lập, hoàn thành sớm để phục vụ phát triển đất nước; điều chỉnh quy định về chi phí, cho phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; điều chỉnh nội hàm quy hoạch quốc gia theo hướng tập trung vào các quan điểm, định hướng chiến lược, không gian phát triển, những vấn đề có tác động, chi phối lớn đến công tác quy hoạch ở cấp dưới…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các Phó Thủ tướng 

Cùng với đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép lập đồng thời các quy hoạch và việc điều chỉnh quy hoạch không cần thực hiện thủ tục lập nhiệm vụ quy hoạch; cho phép các quy hoạch đã phê duyệt trước ngày 1/1/2019 được tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật cho đến khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt.

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép lựa chọn tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng theo hình thức chỉ định thầu hoặc cho phép các đơn vị nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tham gia xây dựng quy hoạch của ngành theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ có kinh phí, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của từng cơ quan, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với các tiêu chí, tiêu chuẩn cho rõ và cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Việc thực hiện Luật Quy hoạch, triển khai lập các quy hoạch đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, với các chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt tới các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết và tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 2 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo.

Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là về thể chế. Chính phủ đã ban hành 42 nghị định, các bộ ban hành 95 thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc cả trong các quy định tại Luật Quy hoạch; các luật, pháp lệnh liên quan về quy hoạch; việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; đặc biệt những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện.

Thực tế từ năm 2011-2021, chỉ có 31 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt (trừ các quy hoạch xây dựng và đô thị thực hiện theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị). Còn theo Luật Quy hoạch, số lượng quy hoạch phải lập với khối lượng công việc rất lớn (111 quy hoạch), trong khi từ nay đến cuối năm chỉ còn 8 tháng với rất nhiều công việc cần giải quyết...

Thu Hằng 

Đặc biệt quan tâm chất lượng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Đặc biệt quan tâm chất lượng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai điểm mấu chốt là bảo đảm tiến độ và đặc biệt quan tâm chất lượng quy hoạch, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.

Những vi phạm về đất đai, quy hoạch, dân biết hết

Những vi phạm về đất đai, quy hoạch, dân biết hết

Cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra đối với phản ánh của dân về những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng như những vi phạm về đất đai, quy hoạch, dân biết hết.
Chủ tịch Hà Nội: Quản lý chặt đất bãi sông, bãi nổi khi làm quy hoạch sông Hồng

Chủ tịch Hà Nội: Quản lý chặt đất bãi sông, bãi nổi khi làm quy hoạch sông Hồng

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, kè, bờ sông, đất bãi sông, bãi nổi, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường.

Lộ thông tin đấu giá đất, tăng giá làm phá vỡ quy hoạch

Lộ thông tin đấu giá đất, tăng giá làm phá vỡ quy hoạch

Theo Thứ trưởng TN-MT, một số nơi thực hiện chưa nghiêm các phiên đấu giá đất. Có hiện tượng để lộ thông tin, sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện và người tham gia đấu giá.