Với việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở, Thủ tướng đã quyết định đơn giản hóa, sẽ được cụ thể hóa tại Nghị định sửa đổi, bổ sung dự kiến trình Chính phủ quý I/2022.
Dư nợ bất động sản hơn 777.200 tỷ đồng
Sáng 8/11, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản TP.HCM và hàng chục doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phía Nam.
Đây là cuộc họp để Chính phủ lắng nghe ý kiến từ Bộ Xây dựng, những khó khăn và vướng mắc của các doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS).
Trước khi cuộc họp diễn ra, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chuẩn bị 40 bộ tài liệu và báo cáo.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS 9 tháng đầu năm nay có nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và khan hiếm nguồn cung.
Về dự án nhà ở thương mại, có 104 dự được chấp thuận; 193 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, cung ứng 56.402 căn.
Đối với nhà ở xã hội, có 30 dự án hoàn thành đầu tư, cung ứng 5.090 căn; hoàn thành 5 dự án nhà ở dành cho công nhân trong các khu công nghiệp, cung ứng 8.700 căn.
Về lượng giao dịch, trong 9 tháng năm nay có 139.350 giao dịch. Lượng giao dịch có xu hướng chững lại và giảm mạnh vào quý 3/2022. Cụ thể, trong quý này có 51.003 giao dịch thành công.
Theo Bộ Xây dựng, giá nhà đất ở các phân khúc vẫn ở mức cao khi đã thiết lập từ thời điểm cuối quý 2/2022. Một số dự án giảm giá để tăng tính thanh khoản nhưng chưa nhiều.
Phân khúc căn hộ bình dân có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 tại các dự án nhà ở thương mại khu vực trung tâm các đô thị hầu như không có. Dư nợ BĐS tính đến ngày 31/8/2022 lên đến 777.235 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị trái phiếu nhóm BĐS phát hành khoảng 93.000 tỷ đồng, chiếm 28,87% tổng giá trị phát hành trái phiếu.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS, tính đến ngày 20/9/2022, ngành kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.
Doanh nghiệp BĐS đối mặt khó khăn
Theo Bộ Xây dựng, dù đã hồi phục sau đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động của doanh nghiệp BĐS hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này, đó là: Vướng mắc về thủ tục pháp lý dự án, đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất;
Khó tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án do bị kiểm soát chặt của thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu; lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá vật liệu xây dựng tăng cao tác động đến chi phí.
Để ứng phó với tình hình này, nhiều doanh nghiệp BĐS đã thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, giảm nhân viên.
Đối với dòng vốn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đưa giải pháp cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông dòng vốn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư BĐS hoàn thành dự án dở dang, tạo nguồn cung và đẩy mạnh phát triển thị trường.
Nhưng cùng với đó, kiểm soát tốt việc huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS trên thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu phải đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá…
Đối với các địa phương, cần khẩn trương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở trên địa bàn. Đánh giá cụ thể nguyên nhân các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai.
Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường. Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước 15/11/2022.