Lời tòa soạn:
Ngày 25/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - đã có bài phát biểu, chỉ ra những yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam và xây dựng quốc gia số. Đó là nền tảng số, điện toán đám mây, thể chế số, nhân lực số, kỹ năng số, an toàn an ninh mạng, là khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, là ứng dụng trợ lý ảo, Big Data, AI vào quản trị quốc gia. Những yếu tố này cũng sẽ giúp nâng cao thứ hạng quốc tế của Việt Nam về chuyển đổi số.
VietNamNet xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số,
Kính thưa các đồng chí
Tôi xin phép phát biểu một số ý sau:
Từ khoá quan trọng nhất của chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam là nền tảng số. Nền tảng số là một phần cứng, một phần mềm, một đơn vị vận hành nhưng dùng chung cho toàn quốc, toàn ngành, toàn địa phương. Bởi vậy mà người đứng đầu các bộ ngành Trung ương, người đứng đầu các địa phương phải là người quyết định, chỉ đạo rồi thực thi triển khai các nền tảng số. Năm 2023, mỗi đồng chí Bộ trưởng, mỗi đồng chí Chủ tịch xác định một số nền tảng số quan trọng nhất, giải quyết vấn đề, nỗi đau lớn nhất của ngành mình, địa phương mình để triển khai. Quyết tâm chính trị của người đứng đầu là yếu tố quyết định thành công của CĐS.
Hình thành công dân số thì quan trọng nhất là hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số để mua, để bán, để học, để làm việc, để sử dụng dịch vụ công, để khám chữa bệnh, để giải trí. Việc hình thành các tổ công nghệ số cộng đồng ở mức thôn, bản, tổ dân phố để có thể đến từng hộ gia đình, đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn sử dụng nền tảng số, là cách tiếp cận rất Việt Nam. CĐS là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện và tổ công nghệ số cộng đồng là lời giải của chúng ta. Và đây cũng là cách để không ai bị bỏ lại phía sau. Các địa phương hãy coi tổ công nghệ số cộng đồng này là lực lượng CĐS xung kích, giống như bộ đội địa phương, là các chiến binh CĐS.
Nhưng để không ai bị bỏ lại phía sau thì hạ tầng viễn thông phải không còn vùng lõm sóng 3/4G, mỗi hộ gia đình ít nhất phải có 1 thiết bị thông minh. Làm được việc này là sự chung tay của Bộ TT&TT, địa phương và doanh nghiệp viễn thông. Địa phương mà quan tâm việc này thì sẽ rất nhanh.
Lên môi trường số thì mỗi người dân phải có chứng minh thư số, đó là VNeID của Bộ Công an. Phải có một tài khoản thanh toán số, đó là tài khoản ngân hàng số hoặc ví điện tử hoặc Mobile Money, là việc của ngành ngân hàng. Phải có chữ ký số, là việc của Bộ TT&TT. Phải có tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến, là việc của các địa phương. Năm 2023 này, cơ bản mọi người trưởng thành Việt Nam phải có một phiên bản số hoạt động được hoàn chỉnh trên môi trường số.
CĐS thì không chỉ gồm 3 trụ cột theo chiều dọc là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, mà còn bao gồm cả các thành phần theo chiều ngang.
CĐS thì yếu tố quan trọng nhất là sử dụng hạ tầng điện toán đám mây. Cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, thay vì tự đầu tư, tự vận hành các hệ thống thông tin, thì hãy chuyển lên sử dụng dịch vụ điện toán đám mây với chi phí thấp hơn, tối ưu hơn, an toàn hơn và linh hoạt hơn. Chính phủ cũng sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu nhà nước để một số dữ liệu trọng yếu của các bộ ngành, địa phương và các cơ quan Đảng, Nhà nước sẽ được đặt tại trung tâm này.
CĐS thì cần thể chế số. Có những thể chế thì cần sửa luật, sửa nghị định, chúng ta đã và đang làm rất tích cực, không nhanh hơn được. Nhưng rất nhiều thể chế thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương thì chúng ta có thể làm ngay mà không cần phải chờ đợi ai cả. Thí dụ, Đà Nẵng đã đưa 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên thành dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình mà không cần chờ sửa luật hay nghị định nào cả, trong khi trung bình cả nước mới đạt dưới 70%. Hay một số địa phương, để thúc đẩy DVCTT, đã ban hành nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí, thời gian xử lý DVCTT nhanh hơn xử lý trực tiếp, mà cũng không cần phải chờ sửa luật hay nghị định nào cả.
CĐS thì cần nhân lực số. Việt Nam muốn có đủ nhân lực số thì từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được khoảng 150 nghìn nhân lực số từ cao đẳng trở lên, trong khi hiện tại, mỗi năm mới đào tạo được 65 nghìn người, tức là chưa được 50% nhu cầu. Các đại học truyền thống cũng đã tới hạn về đào tạo vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất. Đại học số là lời giải cho nhân lực số Việt Nam. Hàn Quốc đã làm rất tốt đại học số. Đích thân Thủ tướng Ấn Độ đã yêu cầu Ấn Độ nhanh chóng triển khai đại học số. Việt Nam nếu chậm sẽ lỡ mất cơ hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm chỉ đạo triển khai đại học số ở Việt Nam.
CĐS thì cần kỹ năng số. Nền tảng học trực tuyến mở đại trà là lời giải đào tạo kỹ năng số cho người dân Việt Nam. Nền tảng này với tên gọi OneTouch đi vào hoạt động từ 5/2022, đã có gần 20 triệu truy cập.
CĐS thì cần an toàn, an ninh mạng. Phải xem công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng là một phần gắn chặt, song song với cả quá trình chuyển đổi số từ khâu thiết kế đến khi đã đưa vào vận hành. An toàn, an ninh mạng thì hay nói nhiều đến công nghệ, tuy nhiên, trên 80% vấn đề lại được giải quyết bởi quy trình, chính sách được thiết kế tốt và thực thi chặt chẽ, nghiêm túc. Năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tổ chức xây dựng bộ quy trình, chính sách khung để hướng dẫn áp dụng chung cho các bộ ngành, địa phương.
Sau khi đã có nền tảng số, đã đưa hoạt động lên môi trường số thì dữ liệu là quan trọng. Vì vậy, năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu; là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu số, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của CĐS.
Kế hoạch về năm dữ liệu số quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch UBQG về Chuyển đổi số ban hành sau cuộc họp này, chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện. Các bộ ngành, địa phương chủ động xây dựng các kế hoạch hành động, tập trung vào các sáng kiến về dữ liệu, hướng tới tạo ra giá trị từ dữ liệu, và đặc biệt là tạo ra nhận thức đúng về dữ liệu.
Chia sẻ dữ liệu liên quan đến chất lượng, an toàn, an ninh mạng của các cổng dịch vụ công, hệ thống CNTT của các bộ ngành và địa phương, chất lượng đường truyền của nhà mạng, của Cục Bưu điện Trung ương. Tức là chất lượng toàn trình. Vừa qua, khi triển khai mạnh mẽ Đề án 06, số lượng giao dịch liên hệ thống tăng đột biến (năm 2022 tăng 5 lần so với năm 2021), bắt đầu xuất hiện sự suy giảm chất lượng. Bộ TT&TT đã nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá chất lượng toàn trình nhằm tìm ra nguyên nhân gốc để xử lý, để nâng cấp các hệ thống. Điều này là rất quan trọng vì trong tương lai gần, số lượng giao dịch sẽ tăng nhanh chóng khi chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Bộ TT&TT sẽ đánh giá và công bố công khai chất lượng cổng dịch vụ công của các bộ, ngành và địa phương từ năm 2023.
Năm 2023 cũng là năm thực hiện có kết quả thiết thực các chiến lược quốc gia, đó là Chiến lược Chính phủ số, Chiến lược Kinh tế số và xã hội số, Chiến lược An toàn, an ninh mạng, Chiến lược Dữ liệu số, Chiến lược Hạ tầng số, Chiến lược Công nghiệp công nghệ số. Bộ TT&TT sẽ ban hành các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược. Thí dụ như chúng ta đã tiến hành đo lường chỉ số CĐS Quốc gia, năm 2020 là 0,48, năm 2022 dự kiến đạt 0,7. Chỉ số Chính phủ số tăng từ 0,36 năm 2020 lên 0,6 năm 2022. Chỉ số Kinh tế số tăng từ 0,26 năm 2020 lên 0,5 năm 2022. Chỉ số Xã hội số tăng từ 0,29 lên 0,5 năm 2022. Đưa việc quản lý thực thi chiến lược vào thực tiễn là một bước tiến trong quản lý nhà nước.
Năm 2023 là năm thứ tư của CĐS Việt Nam. Ba năm trước là khởi động, diễn tập và tấn công. Năm 2023 này sẽ là năm tạo ra các kết quả và giá trị thiết thực. Đó là tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ của người dân được xử lý trực tuyến toàn trình trình đạt 50% (tức là người dân không cần hiện diện ở cơ quan chức năng khi giải quyết thủ tục hành chính, họ tự làm từ nhà). Một trong những giá trị thiết thực nhất của Chính phủ số là mỗi công chức, viên chức sẽ có một trợ lý ảo đạt mức chuyên gia; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu của các bộ, ngành và địa phương, rồi sử dụng công nghệ Big Data, công nghệ AI để thực hiện phân tích, đánh giá, giám sát online, phát hiện sớm các xu thế và bất cập để cảnh báo sớm, cũng như sử dụng dữ liệu để ra quyết định. Đây sẽ là thay đổi lớn trong quản trị quốc gia.
Những cố gắng trên đây, ngoài việc thúc đẩy CĐS Việt Nam, xây dựng quốc gia số, thì thứ hạng quốc tế của Việt Nam về CĐS cũng phải tăng lên. Xếp hạng CPĐT của Việt Nam do ITU công bố năm 2022, dựa trên dữ liệu của năm 2021, thì Việt Nam xếp thứ 86, là thứ hạng trung bình. Trong tháng 3 này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị chuyên biệt về nâng cao thứ hạng CPĐT/CPS cho các bộ ngành và địa phương, giao các việc cụ thể cho từng đơn vị, với mục tiêu là xếp hạng Việt Nam năm 2024 ít nhất cũng là 75. Xếp hạng CPĐT/CPS ở mức cao là một chỉ số quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn quốc gia đầu tư.
Xin kính chúc sức khoẻ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và tất cả các đồng chí, chúc Hội nghị của chúng ta, sau khi nghe kết luận chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch UBQG về CĐS, thì sẽ thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm, quyết tâm làm, trực tiếp làm và đạt được kết quả thiết thực, tạo ra đà để công cuộc CĐS của Việt Nam đi vào guồng chạy tự động.
Xin trân trọng cảm ơn!
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng