Chung tay thực hiện kế hoạch năm dữ liệu số Việt Nam

“Gặp gỡ ICT Xuân Quý Mão 2023" là cuộc gặp mặt thường niên đầu xuân do 19 hội, hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong ngành CNTT và Truyền thông (ICT) Việt Nam tổ chức vào ngày 16/2. Tham dự có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; các cán bộ lão thành trong ngành ICT Việt Nam.

Năm 2023 đã được chọn là năm dữ liệu số Việt Nam. Với mong muốn góp sức vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia và kế hoạch phát triển dữ liệu số Việt Nam, 19 tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực ICT đã chọn chủ đề của sự kiện là “Trọng tâm xây dựng dữ liệu số quốc gia”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở cách nhiều tiếp cận mới cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong năm 2023. Ảnh: Lê Anh Dũng


Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu quốc gia nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Kế hoạch năm dữ liệu số quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ban hành trong quý 1. “Các hội, doanh nghiệp hãy chủ động xây dựng những kế hoạch hành động tập trung vào các sáng kiến về dữ liệu hướng tới tạo ra giá trị từ dữ liệu, và đặc biệt là tạo ra nhận thức đúng về dữ liệu”, Bộ trưởng kêu gọi.

Gợi mở cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

Cũng tại sự kiện “Gặp gỡ ICT Xuân Quý Mão 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn trong năm mới, giới ICT nước nhà sẽ nghĩ ra không gian mới, nguồn lực mới và cách tiếp cận mới để việc khó, việc không tưởng thành việc khả thi, để dữ liệu thành đất đai và canh tác trên đó tạo ra giá trị, để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới thành công bằng cách tiếp cận Việt Nam.

Đại diện cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính nhận định, năm 2023 là năm bản lề để đưa những kết quả của quá trình chuyển đổi số đến được với người dùng cuối cùng là người dân.

Cùng với khẳng định năm nay Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đó là: tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ; dùng công nghệ mới và hiện đại nhất để giải những bài toán nhỏ; thời đại hóa thông qua sử dụng công nghệ mới nhất nhưng giải bài toán cũ; đại chúng hóa bằng cách công nghệ thì cao, giá thì rẻ, dùng thì dễ, càng dùng nhiều càng rẻ, càng dùng nhiều thì sản phẩm càng tốt lên để đưa các sản phẩm công nghệ số hiện đại tới mọi người dân…

Theo Bộ trưởng, các công ty công nghệ lớn đang phát triển công nghệ số để giải các bài toán lớn, có nhu cầu phổ quát. Họ tập trung cho những thị trường hàng tỷ người dùng chẳng hạn như ChatGPT - để trả lời đủ thể loại câu hỏi của con người, vì thế chỉ đạt mức trung bình khá.

“Nếu chúng ta dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn, khi mà dữ liệu phải xử lý chỉ bằng 1 phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của chúng ta sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Làm như vậy là cách tiếp cận cá thể hóa, phù hợp với trình độ hiện tại của chúng ta. Thị trường ở đây là rất phong phú và không hề nhỏ”, Bộ trưởng gợi mở.

Một thị trường vô cùng lớn là dùng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để giải các bài toán nhỏ. Bài toán nhỏ nhưng giá trị mang lại rất lớn. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Khi nói đến các unicorn thế giới, giá trị thường là tỷ USD. Còn ở Việt Nam, con số này rất ít. Cách của Việt Nam sẽ là: công ty startup có giá trị 100 triệu USD nhưng xuất sắc trong lĩnh vực của mình, sản phẩm và thị trường là số 1 thế giới. Nếu có nhiều công ty công nghệ số xuất sắc, giá trị có thể chỉ 100 triệu USD thì Việt Nam sẽ là một quốc gia công nghệ số hàng đầu.

“Làm gì thì cũng nên Việt Nam hóa, đi con đường Việt Nam, dựa trên đặc điểm và sức mạnh cốt lõi Việt Nam để không ai có thể bắt chước mình được”, Bộ trưởng nhắn nhủ.

Hãy làm cái mới để trở thành xuất sắc

Hãy làm cái mới để trở thành xuất sắc

Trong cuộc làm việc với Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý hướng đi mới cho đơn vị này là có thể tư vấn, đưa tri thức xuất sắc về chuyển đổi số đến các bộ, địa phương.