Văn phòng Chính phủ vừa gửi thông báo đến các Bộ và UBND TP.HCM về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1)- đơn vị quản lý, vận hành và bảo dưỡng Metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên).
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kết luận việc bảo đảm nguồn lực để duy trì hoạt động, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tiến độ vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro Bến Thành- Suối Tiên) của Công ty HURC1 là cần thiết, cấp bách.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Chính phủ giao UBND TP.HCM rà soát, quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ của HURC1 cho giai đoạn chuẩn bị trước khi khai thác thương mại phù hợp với tiến độ thực tế của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Bộ Tài chính theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và các cơ quan liên quan về nội dung báo cáo, đề xuất.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiền, thuận lợi, thống nhất trong thực hiện.
HURC1 là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM hoạt động từ năm 2019 để chuẩn bị tiếp nhận, quản lý, vận hành và bảo dưỡng Metro số 1. Khi thành lập năm 2015, công ty được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2021, HURC1 đã sử dụng hết kinh phí tạm ứng từ nguồn vốn điều lệ ban đầu. Từ đó đến nay, người lao động công ty vẫn chưa được thanh toán lương và đóng các khoản bảo hiểm xã hội. Do không có kinh phí để trả các khoản điện nước, viễn thông, dịch vụ bảo vệ… nên công ty được UBND TP bố trí và phải sử dụng tạm các phòng họp của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) để duy trì nơi làm việc.
Theo HURC1, để đáp ứng yêu cầu vận hành, bảo trì tuyến Metro số 1 vào cuối năm 2023 sẽ cần 706 nhân sự. Tuy nhiên, từ khi thành lập năm 2015 đến nay công ty mới có 36 nhân sự và đến nay có 21 người đã nghỉ việc.
Trước đó, UBND TP đã xin Thủ tướng được bổ sung vốn cho HURC1 là 268 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách thành phố. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành thì việc bổ sung vốn điều lệ chỉ áp dụng với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, HURC1 chỉ mới hoạt động, chưa có doanh thu mà chỉ phát sinh chi phí nên chưa thể đánh giá hiệu quả, xếp loại doanh nghiệp.
Hồi tháng 5/2023, UBND TP có văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính về việc bổ sung vốn điều lệ cho HURC1. Phương án hiện nay được TP.HCM đề xuất là sẽ điều chỉnh các quy định liên quan việc thành lập công ty để không phân kỳ cơ cấu vốn điều lệ theo từng giai đoạn như trước đây. TP.HCM trước mắt sẽ bổ sung vốn điều lệ 268 tỷ đồng cho HURC1. Việc bổ sung vốn nhằm đảm bảo quy định mức vốn tối thiểu khi thành lập công ty không thấp hơn 100 tỷ đồng, thay vì chỉ 14 tỷ đồng như hiện nay.
UBND TP đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương. Qua đó, giao TP.HCM quyết định mức vốn điều lệ HURC1 phù hợp với tiến độ thực tế, đồng thời đáp ứng mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định.
Tại tờ trình gửi Chính phủ hôm 15/6, theo Bộ Tài chính, về lộ trình triển khai, trong quý 3/2023, TP.HCM sẽ cấp vốn điều lệ từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách TP.HCM cho công ty là 268 tỷ đồng (bao gồm 14 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu).
Việc bổ sung ngay nguồn lực để công ty duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật công nghệ metro số 1, là rất cấp thiết.