Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông về 4 nhóm chính sách trong dự thảo Luật Báo chí sửa đổi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024.
Trong các nội dung được Chính phủ quyết nghị có việc xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây dựng luật và yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ.
Trong đó, Chính phủ lưu ý hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển hoạt động báo chí theo hướng bảo đảm điều kiện hoạt động, kinh phí, thu nhập cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ, định hướng tuyên truyền; đồng thời đổi mới hoạt động quản lý chặt chẽ, thông thoáng, đúng quy định pháp luật, phù hợp với quy hoạch.
Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông về 4 nhóm chính sách. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, rà soát các giải pháp của từng chính sách để bảo đảm phù hợp với mục tiêu và yêu cầu của thực tiễn.
Chính sách 1 về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí, Chính phủ yêu cầu chỉnh lý chính sách không cho phép tạp chí khoa học được mở văn phòng đại diện tại địa phương để bảo đảm tính chủ động của tạp chí và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tạp chí khoa học; phạm vi thông tin của cơ quan báo chí cần phù hợp với tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ được giao.
Chính sách 2 về nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, Chính phủ lưu ý cần có chính sách khuyến khích để nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí tổ chức hoạt động hiệu quả.
Chính sách 3, Chính phủ lưu ý việc thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển kinh tế báo chí để hoạt động đúng quy định pháp luật; cân nhắc tên gọi "tập đoàn báo chí" để phù hợp với bản chất của báo chí cách mạng, tránh cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau.
Chính sách 4 về điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện các giải pháp chính sách đối với hoạt động báo chí trên không gian mạng để vừa quản lý hiệu quả, vừa thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; có công cụ xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng; có hình thức khen thưởng và chế tài phù hợp, kịp thời, phòng ngừa các hành vi trục lợi không hợp pháp từ hoạt động báo chí.
Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách trong đề nghị xây dựng luật.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đề nghị xây dựng luật này.
Tại phiên họp này, Chính phủ cho ý kiến về 3 dự án luật, 2 đề nghị xây dựng luật, bao gồm:
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi);
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu;
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia;
Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi);
Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và thống nhất đề xuất mức thuế thu nhập chung với báo chí là 10% như báo in hiện nay.
Thủ tướng lưu ý, dự Luật Báo chí sửa đổi phải nâng cao chất lượng người làm báo; đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí; tạo điều kiện tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, có thêm nguồn thu nhập hợp pháp, chính đáng cho người hoạt động báo chí.