Ngày 26/7, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có đột phá về hạ tầng và thể chế, đạt được những kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết
Đi vào nội dung cụ thể liên quan đến báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và báo cáo, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 nghị quyết, gửi Bộ Tư pháp để thẩm định.
Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, các bộ chủ trì tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ.
Sau khi Chính phủ quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng 2 nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ trong tháng 7 để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung này vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023.
Chính phủ đề nghị cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp (tháng 10/2023).
Liên quan đến nội dung này, về cơ sở pháp lý quốc tế, tháng 10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.
Về cơ sở thực tiễn, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ tác động sâu rộng đến tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh nước ta, cần kịp thời có giải pháp phù hợp.
Đến nay, 142/142 nước thành viên của Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã đồng thuận. Tại ASEAN, một số nước đã có kế hoạch áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
Do đó, việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời, việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Xử lý cân bằng các vấn đề liên quan BHXH
Liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thủ tướng lưu ý, đây là một luật khó, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến quyền và lợi ích của người lao động và nhiều chính sách an sinh xã hội, được cử tri và xã hội quan tâm.
Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan quản lý cần xử lý một cách cân bằng để giải quyết những vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài. Nội dung dự thảo Luật cần bám sát, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về BHXH.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tổng kết Luật BHXH; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các vấn đề mới, sửa đổi các quy định hiện hành để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.
Đồng thời tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan: Luật Bảo hiểm y tế, Luật Công đoàn, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra...
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý BHXH; tiếp tục đẩy mạnh tham vấn; tích cực truyền thông chính sách để tạo sự nhận thức và đồng thuận trong xã hội.
Ngoài các nội dung trên, tại phiên họp này, Thủ tướng cũng lưu ý một số nội dung liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư các công trình giao thông đường bộ và đề nghị xây dựng một số luật: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Phòng, chống mua bán người.
Nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế là vấn đề quan trọng, cấp bách nhưng cũng rất khó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành hết sức quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.
Từ đó dành thời gian, công sức, bố trí nguồn lực, nhất là nhân lực có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ, chính sách cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ theo quy định.