Luật Cư trú năm 2020 quy định, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, cuốn sổ này sẽ chính thức bị khai tử, người dân có thể bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy hoặc lưu giữ như một vật kỷ niệm.
Tháng 12 sẽ là tháng cuối cùng người dân được sử dụng sổ hộ khẩu giấy.
Mặc dù “khai tử” sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy nhưng nhà nước vẫn duy trì quản lý cư trú đối với người dân, chỉ là thay thế hình thức quản lý từ cuốn sổ bằng giấy sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn.
Người dân vẫn cần phải làm các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây… Với quy định mới, sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, thay vì cấp sổ giấy, cơ quan công an sẽ cập nhật thông tin của công dân vào cơ sở dữ liệu về cư trú.
Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ được liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân. Cùng việc “khai tử” sổ hộ khẩu giấy, người dân sẽ được cấp mã số định danh cá nhân (là dãy 12 chữ số trên thẻ CCCD gắn chip). Khi đi làm các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự…, người dân chỉ cần sử dụng thẻ CCCD gắn chip mà không cần mang theo sổ hộ khẩu hoặc lỉnh kỉnh giấy tờ như trước đây.
Hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh
Theo Thông tư 14 của Bộ TT&TT từ ngày 12/12, hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh.
Điều kiện được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh: Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.
Chương trình hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho hộ gia đình theo 1 trong 2 hình thức.
Đó là, hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình. Hoặc hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày 12/12/2022).
Xúc phạm danh dự người học nghề bị phạt 5-10 triệu
Nghị định 88 của Chính phủ từ ngày 12/12 có hiệu lực quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (so với trước đây phạt từ 3 - 5 triệu đồng).
Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; phạt 30 - 40 triệu đồng về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Ngoài ra, Nghị định 88 cũng bổ sung một số hành vi mới bị xử phạt hành chính. Ví dụ, phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền 5-10 triệu đồng đồng đối với hành vi kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lịch sử là môn học bắt buộc trong trường nghề
Thông tư 15 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 24/12. Trong đó quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Môn học bắt buộc: Toán, Ngữ Văn, Lịch sử
Môn học lựa chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý.
Trong đó, thời lượng giảng dạy của môn Toán, Ngữ văn là 252 tiết/môn. Các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử sẽ có thời lượng 168 tiết/môn.