Theo hồ sơ vừa nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ, Arm muốn thu về 4,87 tỷ USD cho thương vụ chào bán cổ phiếu (IPO) trên sàn Nasdaq.
Thỏa thuận này có thể nâng định giá công ty lên tới 52 tỷ USD. Arm từng niêm yết tại London (Anh) và New York (Mỹ) trước khi được SoftBank mua lại với giá 32 tỷ USD năm 2016.
Do là công ty của Anh, Arm được xếp vào loại công ty phát hành tư nhân nước ngoài tại Mỹ và cổ phiếu của hãng được tính là cổ phiếu lưu ký của Mỹ (ADS).
Arm sẽ niêm yết 95,5 triệu ADS với giá từ 47 USD đến 51 USD, thu về tương ứng 4,49 đến 4,87 tỷ USD và định giá tương ứng từ dưới 50 tỷ USD đến 52 tỷ USD.
Với việc IPO tại Mỹ, Arm được tiếp cận nguồn vốn mới để tăng cường đầu tư cho R&D, đặc biệt khi đang muốn tăng trưởng trong lĩnh vực AI với những con chip mới. Gần đây, công ty ra mắt một số con chip dành riêng cho AI và máy học.
Chỉ có 9,4% cổ phiếu Arm được giao dịch tự do trên sàn Nasdaq, SoftBank dự kiến sở hữu khoảng 90,6% cổ phiếu lưu hành sau khi hoàn tất IPO.
Thương vụ của Arm được kỳ vọng là IPO lớn nhất ngành công nghệ năm nay. Các nhà đầu tư mong đợi việc niêm yết sẽ thổi luồng sinh khí mới vào thị trường IPO gần như bị đóng băng từ năm 2022.
Những thách thức vĩ mô và địa chính trị, từ cuộc xung đột Nga – Ukraine đến lãi suất ngân hàng trung ương tăng mạnh – dẫn đến sụt giảm lớn trong định giá công nghệ năm ngoái, khiến nhiều hãng công nghệ phải xem lại quyết định niêm yết.
Arm nhìn thấy tiềm năng doanh thu khổng lồ với công nghệ của mình. Trong hồ sơ IPO, hãng cho biết tổng thị trường có sẵn (TAM) năm 2022 là 202,5 tỷ USD. Con số có thể tăng lên 246,6 tỷ USD vào cuối năm 2025, đại diện cho mức tăng hằng năm 6,8%.
Thiết kế bộ xử lý tiết kiệm năng lượng và nền tảng phần mềm của hãng có mặt trong hơn 250 triệu con chip toàn cầu, dùng trong hàng loạt sản phẩm từ cảm biến, smartphone đến siêu máy tính.
Ước tính Arm chiếm xấp xỉ 48,9% thị trường thiết kế bán dẫn. Những người chơi khác như Intel và AMD đang chạy đua để tự thiết kế kiến trúc chip riêng nhưng đến nay vẫn gặp khó khăn.
Vẫn theo hồ sơ của Arm, Apple, Alphabet, Nvidia và các hãng công nghệ khác đang quan tâm đến việc mua 735 triệu USD cổ phiếu Arm. Ngoài ra, Intel, Samsung, TSMC, AMD, MediaTek cũng có hứng thú. Nó cho thấy tầm quan trọng của Arm và sản phẩm, dịch vụ của họ.
IPO công nghệ là chuyện hiếm trong hai năm qua vì các nhà đầu tư không muốn đặt cược vào những công ty tăng trưởng nóng. Arm thành lập năm 1990 lại khác. Trong quý II/2023, hãng đạt lợi nhuận 105 triệu USD trên doanh thu 675 triệu USD.
Năm 2020, Nvidia thông báo kế hoạch mua Arm từ SoftBank với giá 40 tỷ USD nhưng bị nhà chức trách Mỹ và Anh không phê duyệt. Cả hai từ bỏ giao dịch vào năm 2022, mở đường cho thương vụ IPO tại Mỹ của Arm.
(Theo CNBC)