Mỹ quyết định gia hạn miễn trừ thêm một năm, cho phép các công ty sản xuất chip của Hàn Quốc và Đài Loan tiếp tục đưa công nghệ bán dẫn tiên tiến và thiết bị liên quan vào Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định động thái này có khả năng làm suy yếu nỗ lực của Washington trong kiềm chế tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, song nó cũng được kỳ vọng ngăn chặn sự gián đoạn đang lan rộng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Trước đó, tháng 6/2023, Thứ trưởng Thương mại công nghiệp và an ninh Mỹ Alan Estevez đã đề cập tới khả năng gia hạn cho một số công ty, thời hạn gia hạn vẫn chưa được quyết định nhưng thậm chí đã có đề xuất về một lệnh miễn trừ vô thời hạn.
Kể từ tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã bước vào cuộc chiến công nghệ trực diện với Trung Quốc khi áp đặt hàng loạt hạn chế sâu rộng với lĩnh vực xuất khẩu bán dẫn và thiết bị đúc chip tiên tiến. Nước này cũng cấm “người Mỹ” tham gia hay hỗ trợ phát triển, sản xuất bán dẫn tại các công ty Trung Quốc không có giấy phép.
Samsung Electronics, SK Hynix và TSMC, đều có trung tâm sản xuất lớn ở Trung Quốc. Các gã khổng lồ bán dẫn này đã vận động chống lại các biện pháp hạn chế, lập luận rằng quy định mới sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh.
Trước áp lực từ phía các doanh nghiệp, chính phủ Mỹ sau đó đã cấp cho các công ty quyền miễn trừ thực hiện lệnh hạn chế trong vòng một năm.
Các ưu đãi miễn trừ sẽ hết hạn vào tháng 10/2023. Nguồn tin của Nikkei khẳng định Washington có kế hoạch gia hạn thêm quyền miễn trừ với các điều kiện tương tự hiện nay, cho phép các công ty Hàn Quốc và Đài Loan duy trì thông suốt hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
Doanh số bán dẫn toàn cầu đạt khoảng 570 tỷ USD vào năm 2022. Gần 1/3 đến từ Trung Quốc, đây cũng là trung tâm sản xuất iPhone và các thiết bị công nghệ khác. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản về năng lực sản xuất chip vào năm 2021, trở thành cường quốc sản xuất bán dẫn lớn nhất sau Hàn Quốc và Đài Loan.
Các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc có mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với Trung Quốc. Khoảng 40% năng lực sản xuất DRAM của SK Hynix đến từ nền kinh thế lớn thứ hai thế giới, đồng nghĩa nguồn cung cấp máy tính và các thiết bị điện tử khác trên toàn cầu có thể bị gián đoạn lớn nếu không được miễn trừ xuất khẩu.
Ổn định bên ngoài để chạy đua bên trong
Dù lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt khỏi mức đỉnh điểm nhưng vẫn ở mức cao. Ổn định kinh tế đang được coi là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang tìm cách tái tranh cử vào năm sau.
Một cựu quan chức cấp cao của Mỹ cho hay, Washington không tin việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho họ, đặc biệt khi cuộc đua tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2024.
Chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch chỉ thực thi hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghệ cao có thể dẫn đến việc phát triển thiết bị quân sự tiên tiến. Họ không muốn làm gián đoạn hoạt động kinh tế bằng cách hạn chế buôn bán các loại chip kém tiên tiến hơn.
Do sự phức tạp của hệ sinh thái chip toàn cầu, các công ty sẽ gặp khó khăn trong việc rút chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc một cách nhanh chóng.
Một lý do khác để gia hạn miễn trừ có thể là các biện pháp hiện thời đang tỏ ra hiệu quả, nhất là khi Nhật Bản và Hà Lan cũng đã đồng ý áp đặt hạn chế xuất khẩu thiết bị sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào tuần tới để hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Wang Wentao. Chuyến đi nhằm thiết lập cuộc đối thoại ngăn chặn căng thẳng bán dẫn Mỹ-Trung leo thang.
Trong khi đó, các công ty bán dẫn ngày càng thất vọng vì những hạn chế đối với thị trường khổng lồ này.
“Các bước lặp đi lặp lại nhằm áp đặt các hạn chế quá rộng, mơ hồ và đôi khi đơn phương có nguy cơ làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành bán dẫn Mỹ, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, tạo ra sự bất ổn đáng kể trên thị trường và khiến Trung Quốc tiếp tục trả đũa”, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn tại Mỹ cho biết.
(Theo Nikkei Asia)