Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn hơn 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 140 nghìn tỷ đồng so kế hoạch năm 2022. 2023 cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình) theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đồng thời cũng là năm giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bởi vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những vấn đề nóng hiện nay. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cả năm lên tới khoảng 711.000 tỷ đồng cho thấy áp lực giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 rất lớn, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm.
Để đạt được mục tiêu thúc đẩy giải ngân 95% kế hoạch đầu tư công năm 2023, ưu tiên hàng đầu là cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư công, sửa ngay những bất cập đã phát hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các bộ, ngành và địa phương cần tập trung, quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ các địa phương cần giao, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trung hạn và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung, dài hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong kế hoạch năm 2023. Đối với trường hợp không thể điều chỉnh, phải có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho các bộ, ngành, địa phương khác.
Đối với kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, các bộ, địa phương không trả lại kế hoạch vốn năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023.
Đồng thời, tập trung rà soát, thu hồi vốn ứng trước, rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách Nhà nước theo quy định tại các nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 tới).
Trước bối cảnh này, các bộ ngành, địa phương cần tập trung đánh giá kỹ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 để xác định nhu cầu vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 phù hợp, sát với khả năng giải ngân của từng dự án.
Đối với vốn nước ngoài, các bộ, địa phương cần đề xuất kế hoạch vốn hằng năm phải bảo đảm cân đối tỷ lệ cấp phát, vay lại của từng dự án, phù hợp với cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước có những chuyển biến tích cực, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm trước (27,75%) với số tuyệt đối cao hơn 65.000 tỷ đồng.
Tình trạng cùng một thể chế pháp luật nhưng kết quả giải ngân vốn giữa các bộ, ngành, địa phương rất khác nhau cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về thay đổi nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tiễn cho thấy, nơi nào các cấp lãnh đạo quan tâm tốt hơn đến đầu tư công, nơi đó có kết quả giải ngân vốn tốt hơn.
Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định. Về phía các bộ, ngành, địa phương cũng cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, nhất là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.
Được biết, tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã quyết nghị tháo gỡ cho vấn đề đầu tư công, cho phép tiếp tục giao vốn trung hạn vào các dự án Chương trình phục hồi Phát triển kinh tế-xã hội… từ đó sẽ tạo điều kiện có thêm dự án để triển khai cuối năm…
Bên cạnh đó, Quốc hội cho phép điều hòa linh hoạt giữa nguồn vốn của chương trình phục hồi và các dự án kế hoạch đầu tư trung hạn, để đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 43, phấn đấu giải ngân hết trong năm 2023 đúng theo yêu cầu của Quốc hội, đó là những điểm thuận lợi để tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ.