Quý III năm 2022 đã kết thúc nhưng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của cả nước mới đạt 42,16% kế hoạch và đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Như vậy, gánh nặng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao vào những tháng còn lại của năm là rất lớn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các địa phương đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư trong những tháng cuối năm.
Tập trung, phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển KTXH
Tình trạng giải ngân chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước thực trạng này, ngày 15/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 124/NQ-CP thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiến độ giải ngân của cả nước đã có sự chuyển biến trong tháng 8 và 9.
Kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân tháng 9 đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân 1 tháng trong 8 tháng đầu năm là 26,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, so với lượng vốn cần giải ngân thì hiện tỷ lệ này vẫn đang ở mức thấp.
Không chỉ việc giải ngân vốn đầu tư công chậm mà việc giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) cũng đang rất chậm.
Hôm 10/11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1076/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Công điện nêu rõ: Trong những tháng còn lại của năm 2022, trước xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường hơn của thế giới, kinh tế nước ta dự báo phải đối mặt với nhiều nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với thị trường tài chính, tiền tệ và hoạt động xuất nhập khẩu. Để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 khoảng 8%, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, góp phần phát huy hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022.
Đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của hầu hết dự án đã được cấp có thẩm quyền giao cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương đã được ban hành cơ bản đầy đủ, khá kịp thời; những khó khăn về thời tiết, tình hình dịch bệnh,... không còn là nguyên nhân chính gây cản trở đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, cần tập trung, phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước đến ngày 31 tháng 10 năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 40.387 tỷ đồng (tăng 16%); tuy nhiên mới đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 là 55,8%), do nguồn vốn đầu tư công năm 2022 điều chỉnh tập trung trọng tâm, trọng điểm và huy động được từ nhiều nguồn khác nhau nên tăng hơn so với năm 2021 khoảng 120 nghìn tỷ đồng.
Các địa phương chạy nước rút
Trước quyết tâm của Chính phủ, cùng với thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, các địa phương đang chạy nước rút và đều đặt ra mục tiêu đến hết năm sẽ giải ngân hết nguồn vốn hoặc giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất so với kế hoạch vốn được giao.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2022, có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó, 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20%.
Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương được giao vốn lớn trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 với hơn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, do đó cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân, thì mới hoàn thành được kế hoạch chung của cả nước.
Tại Hà Nội, đến hết tháng 9 vừa qua, thành phố mới giải ngân được hơn 17.170 tỷ đồng, đạt 33,6% kế hoạch. Trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thành phố gặp 4 điểm nghẽn, nút thắt. Thứ nhất là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Thứ hai là khó khăn do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu. Thứ ba, dự án ODA có rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ tư, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án còn chậm do vướng mắc trong thực hiện chỉ giới đường đỏ, quy hoạch, tuân thủ quy định chuyên ngành.
Trước tình hình này, HĐND Thành phố đã thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố. Đây là cơ sở rất quan trọng, có tính chiến lược lâu dài để Thành phố thực hiện giảm đầu mối, tầng nấc, tăng tính chủ động cho cấp cơ sở; với tinh thần cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân thì giao cấp đó thực hiện. Những tháng cuối năm 2022, UBND Thành phố tập trung triển khai thực hiện Đề án để góp phần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
UBND TP cũng yêu cầu các chủ đầu tư căn cứ năng lực hiện có và các điều kiện thực hiện, có văn bản cam kết thực hiện công tác giải ngân vốn năm 2022. Theo báo cáo từ UBND TP. Hà Nội, đến nay, toàn bộ các chủ đầu tư đã có văn bản cam kết giải ngân với Thành phố. Đồng thời, phân công các đồng chí Thường vụ Thành ủy theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu tỷ lệ giải ngân toàn Thành phố đạt đạt 93,2% kế hoạch vốn được giao.
TP. Hồ Chí Minh cũng đang đứng trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp so với trung bình của cả nước khi hết tháng 9/2022 mới giải ngân được 10.877 tỷ đồng trong tổng số 37.997 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25%.
Một trong những nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư tại TPHCM chậm đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số dự án tồn tại chục năm nay, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư và giải ngân. Tuy nhiên, vừa qua, TPHCM đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt, nhiều dự án giao thông tồn tại cả chục năm đã được khởi động trở lại.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng lập tổ công tác chuyên về giải phóng mặt bằng để tập trung các địa bàn có khối lượng lớn và phức tạp như TP. Thủ Đức và một số quận huyện. Dự kiến, đến tháng 10/2022 sẽ cơ bản tháo gỡ được giải phóng mặt bằng trên 90% để phục vụ triển khai các dự án.
Một nguyên nhân nữa, đó là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, xe, máy móc… làm cho các nhà thầu thi công phải hoạt động cầm chừng. Lãnh đạo TP.HCM đã gặp từng nhà thầu cụ thể trong từng dự án để tháo gỡ, thuyết phục. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư các dự án ODA cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí vốn, ký kết hiệp định vay mất nhiều thời gian.
UBND TP. Hồ Chí Minh dự kiến, đến cuối tháng 11 và 12 năm nay nhiều dự án có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.
Bên cạnh Hà Nội và TP. HCM, nhiều địa phương khác cũng đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP và Chỉ thị 19/CT- TTg.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng các giải pháp đặt ra để thực hiện từ nay đến cuối năm, các địa phương đang kỳ vọng sẽ cải thiện được tiến độ giải ngân để đạt kết quả cao nhất khi kết thúc năm ngân sách, góp phần đưa tỷ lệ giải ngân cả năm 2022 đạt 95-100% như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Như Sỹ, Kiều Oanh, Công Sáng