Đau đầu vì nạn mua bán hóa đơn
Một bộ phận doanh nghiệp (DN) luôn tìm cách gian lận về thuế, mua bán hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước.
Theo Tổng cục Thuế, một số người nộp thuế lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách đã thành lập DN không để sản xuất, kinh doanh mà để thực hiện hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn khống.
Một số DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao, đã tham gia hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng, kê khai khống chi phí được trừ nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Điều này đã ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế của cơ quan thuế.
Cơ quan thuế đã phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, phát hiện một số đối tượng sử dụng chứng minh thư/căn cước công dân giả để thành lập mới hoặc mua lại doanh nghiệp ngừng hoạt động để bán hóa đơn không hợp pháp cho các doanh nghiệp, làm giảm nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước.
Qua công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, ngành thuế đã phát hiện 524 doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống (là một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Khoản 7 Điều 6 Luật Quản lý thuế).
Trường hợp 524 doanh nghiệp bán hóa đơn này khác với trường hợp các doanh nghiệp bán hàng rồi bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế vì các doanh nghiệp bán hóa đơn chủ yếu khai khống hóa đơn hàng hóa mua vào.
Áp dụng trí tuệ nhân tạo giúp cảnh báo sớm
Kể từ khi áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) vào ngày 1/7/2022, ngành thuế đã có thêm công cụ để ứng phó với nạn mua bán hóa đơn này.
Bên cạnh việc cung cấp các chức năng khai thác trên hệ thống HĐĐT, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai các ứng dụng hỗ trợ trong việc xác minh, đối chiếu, khai thác dữ liệu HĐĐT phục vụ công tác quản lý thuế thông qua áp dụng, triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong chuỗi mua bán của các DN.
Việc này giúp cán bộ thuế phát hiện nhanh, chính xác các dấu hiệu gian lận trong sử dụng HĐĐT. Đây là một bước tiến lớn trong công tác quản lý hóa đơn so với công tác quản lý hóa đơn giấy truyền thống trước đây thường phải mất rất nhiều thời gian thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra mới phát hiện được những vi phạm trong sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Ông Vũ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết: Tình trạng mua bán hóa đơn không hợp pháp không phải là việc mới phát sinh gần đây. Nhưng từ khi triển khai sử dụng HĐĐT, dữ liệu về HĐĐT được lưu trữ và cơ quan thuế sử dụng các công cụ rà soát để phát hiện nhanh chóng, kịp thời và chuyển sang cơ quan điều tra nếu phát hiện việc mua, bán hóa đơn không hợp pháp.
Khi Hệ thống ứng dụng HĐĐT đi vào vận hành, toàn bộ hóa đơn được lưu tại cơ sở dữ liệu tập trung tại Tổng cục Thuế. Thông qua sử dụng công cụ rà soát tự động, cơ quan thuế sẽ nhận diện chính xác, kịp thời những đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn.
"Việc ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big data), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc quản lý thuế nói chung, quản lý hóa đơn nói riêng. Công nghệ này sẽ có cảnh báo tới người nộp thuế về sự bất thường hoặc đột biến so với hoạt động kinh doanh thông thường trong việc sử dụng hóa đơn ngay khi người nộp thuế thực hiện xuất hóa đơn", ông Vũ Chí Hùng giải thích.
Việc rà soát này được thực hiện theo ngày để ngăn chặn, cảnh báo việc xuất hóa đơn của DN có dấu hiệu rủi ro thông qua phân tích dữ liệu HĐĐT với các nội dung như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thống kê nhận biết tên hàng hóa, dịch vụ; xác định giá trị hàng hóa bất thường; xác định chuỗi mua bán giữa các DN giúp Trung tâm Phân tích dữ liệu HĐĐT có thể phát hiện ra những trường hợp gian lận, nghi ngờ mua bán hóa đơn với xâu chuỗi nhiều DN tham gia.
Với việc chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT”, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành HĐĐT, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho cộng đồng DN và người nộp thuế.