Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) vừa chính thức ký kết hợp đồng liên doanh tại Hà Nội sáng nay, 4/4. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô mang thương hiệu Omoda & Jaecoo tại khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú nằm trong khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô sẽ được chia thành 3 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư ước tính 800 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 sẽ bắt đầu vào quý 3 năm nay và hoàn thành vào quý 1 năm 2026 với số vốn đầu tư 220 triệu USD (khoảng 5.500 tỷ đồng), công suất dự kiến khoảng 50.000 xe/năm.
Giai đoạn 2 (2031 - 2033) với vốn đầu tư 200 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng), công suất 100.000 xe/năm và giai đoạn 3 (2034-2035) với vốn đầu tư 380 triệu USD (khoảng 9.500 tỷ đồng), công suất 200.000 xe/năm.
Tuy nhiên, trong quá trình chờ xây dựng nhà máy ô tô, thương hiệu Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery) sẽ bán tại Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Indonesia với các mẫu xe SUV chạy xăng, hybrid và xe điện gồm Omoda C5, Omoda E5, Jaecoo 7 và Jaecoo 7 PHEV.
Omoda C5 và E5 là mẫu xe gầm cao được định vị ở phân khúc SUV cỡ C nhưng sẽ có giá bán phù hợp để cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe ở phân khúc dưới như Kia Seltos, Hyundai Creta và Honda HR-V. Còn mẫu Omoda E5 nhiều khả năng sẽ cạnh tranh với VinFast e34 hoặc VinFast VF7.
Với Jaecoo 7, đây cũng là mẫu xe gầm cao nằm ở phân khúc SUV cỡ C nhưng kiểu dáng vuông vức hơn, có tùy chọn dẫn động 4 bánh và hệ thống truyền động plug-in hybrid (PHEV). Nhiều khả năng khi bán tại Việt Nam, Jaecoo 7 sẽ cạnh tranh với các đối thủ trong cùng phân khúc như Mazda CX-5, Hyundai Tucson, KIA Sportage, Toyota Corolla Cross HEV,...
Theo kế hoạch, các mẫu xe mang thương hiệu Omoda sẽ được giới thiệu từ quý 3 và thương hiệu Jaecoo sẽ bắt đầu từ quý 4 năm nay. Với việc nhập khẩu xe từ trong khu vực Đông Nam Á, các mẫu xe của thương hiệu Omoda & Jaecoo sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá trước các đối thủ đang bán tại Việt Nam.
Trước Cherry, hàng loạt hãng xe Trung Quốc đã đổ bộ vào Việt Nam như Haval, Haima, Wulling, Lynk&Co... Tuy nhiên, do doanh số không được công bố nên sự thành công vẫn đang là một ẩn số đối với thị trường Việt Nam.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!