Thúc đẩy giao dịch điện tử toàn trình
Một nội dung quan trọng trong chương trình hội nghị chuyên đề về kỹ thuật và giao ban quý II giữa Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) với các CA công cộng diễn ra ngày 27/6 là việc trao đổi, đưa ra các định hướng để phát triển ngành khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.
Tại hội nghị, đại diện Tổ xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi (gọi tắt là Tổ luật) đã phổ biến những nội dung chính của Luật này với các CA công cộng.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi gồm 8 chương với 53 điều. Bên cạnh quy định những vấn đề chung, Luật cũng quy định cụ thể về thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, điều khoản thi hành. Trong đó, chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy là nội dung ảnh hưởng nhiều nhất đến các CA công cộng.
Nội dung chính của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là thúc đẩy giao dịch điện tử toàn trình, với 4 nhóm vấn đề gồm: giá trị pháp lý, dịch vụ tin cậy, chính sách thúc đẩy và chính sách quản lý. Về phạm vi điều chỉnh, Luật sửa đổi bỏ loại trừ của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội. Qua đó, giúp nhiều luật chuyên ngành hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số.
Cùng với việc nêu rõ 8 hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử, đại diện Tổ Luật cũng cho hay, theo quy định của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, chứng thư điện tử đại diện chung cho tất cả các loại giấy phép, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận... giúp giải quyết điểm vướng mắc lớn nhất trong dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đó là kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng điện tử.
Đặc biệt, Luật công nhận giá trị pháp lý cho các nội dung, lĩnh vực như: Chữ ký số chuyên dùng công vụ do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp; chữ ký điện tử chuyên dùng do Bộ TT&TT cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn; chữ ký số công cộng do các doanh nghiệp đủ điều kiện cung cấp được Bộ TT&TT cấp phép; chứng thư điện tử; dịch vụ chữ ký số; chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước…
Trong nội dung phổ biến những điểm chính của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, đại diện Tổ Luật lưu ý các CA công cộng về điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, chứng thư số được cấp trước đây vẫn còn giá trị thì tiếp tục thực hiện theo quy định cũ và có giá trị như “chứng thư chữ ký số” theo Luật này; giấy phép, giấy chứng nhận được cấp trước đây vẫn còn giá trị thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn.
Cùng với đó, xác nhận đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại trước đây được tiếp tục sử dụng đến 30/6/2027. Hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại đã nộp trước đây nhưng chưa có xác nhận đăng ký, thì tiếp tục áp dụng quy định về thương mại điện tử.
Mở ra những cơ hội mới cho các CA công cộng
Đại diện các CA công cộng tham dự hội nghị đều thống nhất rằng, việc Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực trong năm 2024 là cơ hội rất lớn, giúp cho thị trường sẽ càng ngày càng rộng mở.
Ông Nguyễn Đăng Triển, Giám đốc Trung tâm Giải pháp CNTT và dịch vụ số thuộc Tổng công ty Viễn thông Viettel nhấn mạnh: “Dự án Luật này được thông qua sẽ góp phần vào sự phát triển của xã hội trong thời gian tới cũng như mở ra những cơ hội mới cho các nhà cung cấp dịch vụ như Viettel-CA”.
Phát biểu tại hội nghị, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC khẳng định, Luật giao dịch điện tử sửa đổi chắc chắn sẽ tạo không gian phát triển mới, rộng mở hơn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Vì thế, hơn ai hết các CA công cộng cần là những doanh nghiệp đầu tiên nắm bắt cơ hội này. Các CA công cộng tới đây sẽ không chỉ dừng lại ở không gian chữ ký số, mà còn mở rộng thị trường với nhiều dịch vụ về thông điệp dữ liệu.
Lãnh đạo NEAC cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết trong việc xây dựng hành lang pháp lý để thi hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức trong nước nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa NEAC, các bộ, ban, ngành cùng các doanh nghiệp để sớm đưa ra các Nghị định, Thông tư hướng dẫn triển khai Luật.
Chia sẻ với VietNamNet về góc nhìn của Hiệp hội Internet Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Vũ Thế Bình cho rằng, để luật Giao dịch điện tử sửa đổi có thể sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan, tổ chức cũng cần chú trọng việc truyền thông, vận động cho việc dịch chuyển sang giao dịch điện tử cả trước và sau khi Luật này có hiệu lực. Việc này có vai trò quan trọng để tác động, thay đổi thói quen của các bên liên quan.
“Chúng ta đã có một ví dụ về quán tính của "con dấu doanh nghiệp". Luật Doanh nghiệp mới quy định rất "thoáng" về con dấu, nhưng trên thực tế không có nhiều công ty, kể cả công ty mới lập, tạo "con dấu" của mình theo tinh thần "thoáng", mà vẫn sử dụng con dấu theo kiểu cũ”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ thêm.
Bày tỏ sự đồng tình với quan điểm cho rằng, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được thi hành sẽ tạo thị trường mới cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển, ông Vũ Thế Bình cho hay, các Luật được điều chỉnh, cập nhật và có tính chất thúc đẩy thì sẽ tạo điều kiện cho ngành nghề liên quan phát triển. “Tuy vậy, phát triển ở mức độ nào thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố sẵn sàng thực hiện thay đổi từ giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử của doanh nghiệp, người dân, và đương nhiên là của cả các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công”.