Các chủ nhân thú cưng ở Singapore, một quốc gia có mức sống thuộc hàng cao nhất châu Á, không chỉ chăm lo cho chúng lúc sinh thời mà kể cả lúc qua đời. Cái chết của một con thú cưng là vấn đề nhạy cảm và đau buồn đối với họ.
Để chuẩn bị tang lễ cho thú cưng, chủ vật nuôi có nhiều sự lựa chọn. Từ trước đến nay, hoả táng vẫn là phương pháp phổ biến hơn cả. Khi thú cưng qua đời, nhân viên công ty cung cấp dịch vụ sẽ đến thu nhận xác, đưa về khu lưu trữ có bảo vệ suốt ngày đêm cho đến ngày hoả táng.
Khi đến ngày, thú cưng được tổ chức tang lễ. Chủ vật nuôi nhận được bình tro cốt có thể thuê một ngăn tại trung tâm an táng thú cưng để làm nơi an nghỉ. Sau này, họ có thể đế viếng thăm mỗi khi nhớ thú cưng.
Để xoa dịu nỗi buồn của các chủ nhân, dịch vụ tang lễ thú cưng với phương pháp mai táng ít đau buồn, hiện đại hơn, mới xuất hiện ở Singapore.
Thay vì địa táng hay hoả táng, nhiều chủ nhân chọn "thiêu xác thú cưng bằng nước" hay thuỷ táng, một cách thức mai táng thân thiện hơn với môi trường.
Yang Loo, 28 tuổi, là người đầu tiên cung cấp dịch vụ này tại "đảo quốc sư tử". Anh nhận ra rằng cơ hội đã đến khi ngày càng nhiều người sở hữu thú cưng, theo CNA.
"Là một người nuôi chó và yêu động vật, tôi hiểu chủ nhân thú cưng gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với việc mất đi con vật yêu thích. Tôi muốn mang đến dịch vụ tang lễ bớt đau buồn, hiện đại và xanh hơn", anh nói.
Mới đưa vào hoạt động chính thức được một tháng nhưng Yang đã phục vụ nhiều khách hàng với khoảng 20 vật nuôi, từ chó, mèo cho đến những sinh vật nhỏ hơn như chim và chuột đồng.
"Thiêu xác thú cưng bằng nước" thực chất là phương pháp thủy phân kiềm. Xác thú cưng đưa vào dung dịch kiềm, đun nóng trong bình chứa bằng thép không gỉ để phân huỷ. Sau quá trình phân huỷ, phần xương còn lại chuyển vào chiếc máy để nghiền thành tro.
Tro đặt trong chiếc bình nhỏ rồi trao trả cho chủ vật nuôi. Thủy táng sử dụng "năng lượng ít hơn 90% so với hỏa táng và không thải ra bất kỳ khí nhà kính độc hại nào".
Quá trình thuỷ táng bắt chước quá trình phân hủy tự nhiên của một cơ thể khi tiếp xúc với đất. Tuy nhiên, nó chỉ mất khoảng 20 đến 24 giờ để hoàn thành thay vì vài năm hay có khi hàng chục năm.
Dù vậy, chi phí chủ nhân vật nuôi phải bỏ ra để thực hiện quá trình này tốn kém hơn. Thời gian chờ đợi lấy tro cốt lâu hơn so với hoả táng.
Tùy thuộc vào kích thước của thú cưng, chi phí dao động từ 430 - 730 USD (khoảng 10-17 triệu đồng). Trong đó, bao gồm các dịch vụ từ thu cất xác thú cưng, lễ tưởng niệm, thiêu và trả lại tro cốt.
Theo anh Yang, một phần chi phí cao là do công nghệ sử dụng cũng như việc xử lý nước thải, chất lỏng còn sót lại sau quá trình. Anh hy vọng, trong tương lai, nước thải có thể tái sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Trong khi đó, thiết bị để thực hiện quá trình này cũng có giá khá cao, khoảng 200.000 USD (khoảng 4,7 tỷ đồng).
Anh Yang và các đối tác đã mất nhiều năm để có được không gian hoạt động và giấy phép từ cơ quan tái phát triển đô thị, cơ quan môi trường quốc gia, cùng một số cơ quan khác.
Điều khiến anh lo lắng nhiều nhất là mọi người đã quá quen với việc hoả táng với lửa, phương pháp thuỷ táng còn khá mới mẻ ở Singapore. Tuy nhiên, khi anh tiến hành cuộc khảo sát nhỏ để xem mọi người phản ứng thế nào khi "thiêu xác bằng nước". Kết quả cho thấy rất nhiều người lựa chọn phương pháp này.
Nhiều chủ vật nuôi cho rằng họ không thích dùng lửa. Một số cho rằng lửa rất đau đớn và họ không thể chịu được khi nhìn thấy "đứa con lông xù" của mình bước vào giàn hoả thiêu.
Joe Kam, chuyên gia về phúc lợi động vật, người đồng hành cùng Yang cho biết: "Đại dịch đã khiến mọi người ý thức hơn về sự mong manh của tự nhiên. Nhiều người muốn đưa tiễn người bạn bốn chân của gia đình theo cách nhẹ nhàng hơn, thân thiện với môi trường hơn".
Anh ước tính công ty có thể xử lý khoảng 950 thú cưng trong năm đầu tiên đi vào hoạt động.