Ngày 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã chủ trì buổi đối thoại với hơn 200 đại biểu nông dân trên địa bàn tỉnh. Dự buổi đối thoại có Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lạng Sơn Giáp Thị Bắc cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Trong buổi đối thoại, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi đối thoại với cán bộ, hội viên, nông dân năm 2022.
Theo đó, các sở, ngành đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, rà soát, tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 1 tỷ đồng bổ sung cho Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở lớp đào tạo dạy nghề, khuyến khích hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động cho vay vốn sản xuất kinh doanh…
Qua đó, đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 10.415 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tạo được việc làm mới cho khoảng 11.600 lao động nông thôn; cấp 1 giấy xác nhận mã số vùng trồng, nâng tổng diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh được cấp mã số là hơn 1.086ha với 189 mã vùng trồng; đã xây dựng được 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 87 sản phẩm; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…
Hội nghị đã ghi nhận 14 ý kiến, kiến nghị của hội viên nông dân xoay quanh các vấn đề về các giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản; đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đất ở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; nâng cao trình độ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và phát huy các trang thương mại điện tử…
Trên tinh thần cầu thị, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và lắng nghe, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cùng lãnh đạo các sở, ngành đã lắng nghe các ý kiến và trả lời, giải thích trực tiếp, cung cấp thêm các thông tin đến hội viên nông dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm trong tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị của hội viên, nông dân. Ngay sau hội nghị, yêu cầu trong tháng 9/2023, các sở, ngành phải có văn bản trả lời các kiến nghị của nông dân do Hội Nông dân tỉnh tổng hợp các ý kiến trực tiếp tại hội nghị và các ý kiến bằng văn bản gửi đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, việc các sở, ngành giải quyết các kiến nghị tại hội nghị đối thoại với nông dân hằng năm sẽ là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu các sở, ngành.
Ông Hồ Tiến Thiệu yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành tiếp tục nắm bắt, nghiên cứu, đề xuất kịp thời các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nông dân, tuyên truyền sâu rộng, trực tiếp rà soát, kiểm tra hiệu quả, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng cho người nông dân sản xuất, chế biến sản phẩm theo hướng xanh, sạch, hữu cơ; quan tâm, tạo điều kiện nhu cầu vay vốn của người nông dân trong phát triển sản xuất, phối hợp hỗ trợ, liên kết sản xuất giữa nông dân và các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị, đối với người nông dân là chủ thể chính, chủ yếu trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cần thấy được vai trò, trách nhiệm, phát huy tối đa tính chủ động sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, tự mình vươn lên trong sản xuất.
Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách, chế độ để hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, các hội viên, nông dân cần tìm hiểu, tiếp cận các chính sách của Trung ương và của tỉnh trong hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn đề nghị các đại biểu nông dân có mặt tại hội nghị tiếp tục lan tỏa, tuyên truyền các chế độ, chính sách của Nhà nước đến đông đảo hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần có trách nhiệm trong liên kết sản xuất kinh doanh giữa nhà nông và doanh nghiệp, sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định, sản xuất kinh doanh theo định hướng tạo ra sự cân đối, vùng hàng hoá thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững, cân đối, tăng cường phát triển, nâng cao giá trị, chất lượng các sản phẩm OCOP.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các hội viên, nông dân tăng cường hiến kế cho tỉnh về cơ chế, chính sách, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của nông dân toàn diện, hiệu quả hơn.