Sáng 15/11 (giờ địa phương, tức rạng sáng 16/11 giờ Việt Nam), tại San Francisco (Mỹ), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự buổi trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR).
Cuộc trao đổi diễn ra khi thế giới đang trải qua nhiều thay đổi, ngay trước Tuần lễ cấp cao APEC 2023 và chỉ sau hai tháng Việt Nam - Mỹ nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
CFR là tổ chức tham vấn, nghiên cứu độc lập về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ với sự góp mặt của nhiều cựu chính trị gia, nhà nghiên cứu tên tuổi tham gia phân tích sâu về vấn đề quốc tế và tham vấn chính sách đối ngoại.
Phát biểu trước học giả, nhà nghiên cứu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã giới thiệu khái quát về tình hình Việt Nam qua gần 40 năm Đổi mới. Trong quá trình đổi mới, nhân dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là cội nguồn sức mạnh, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển.
Để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, Việt Nam tập trung phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân...
Chủ tịch nước khẳng định, người dân với tất cả quyền con người, quyền công dân là trung tâm của chính sách và hoạch định tương lai.
Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không" là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Chủ tịch nước cho biết, trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, quan hệ với nước láng giềng là ưu tiên hàng đầu, quan hệ với các nước lớn có ý nghĩa chiến lược, quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, một số đối tác khác có ý nghĩa rất quan trọng và coi trọng quan hệ với đối tác truyền thống.
Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm quan hệ đối tác chiến lược hoặc chiến lược toàn diện với tất cả các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; là thành viên của 70 tổ chức khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Việt Nam chia sẻ quan điểm chung về việc các quốc gia thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác, coi trọng sự bình đẳng, lợi ích chính đáng của nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Việt Nam ủng hộ việc củng cố, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, đa phương và tăng cường phối hợp quốc tế để làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa, chấm dứt xung đột; để giải quyết vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ và ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống.
Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và cứu trợ nhân đạo quốc tế...
Về quan hệ Việt Nam - Mỹ, Chủ tịch nước khái quát về quan hệ hai nước và khẳng định, "chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam - Mỹ phát triển tốt đẹp như ngày nay". Hai nước từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Chủ tịch nước chia sẻ: "Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước".
Ngày 10/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã ra Tuyên bố chung về việc Việt Nam - Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Theo Chủ tịch nước, việc nâng cấp quan hệ nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích ngày càng cao của hai nước, đóng góp hiệu quả hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Phương châm của Việt Nam trong quan hệ Mỹ là "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".
"Sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tin cậy lẫn nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng", Chủ tịch nước nêu quan điểm.
Lãnh đạo Mỹ đã khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng". Việt Nam xác định Mỹ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại.
Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ khẳng định nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau; nêu rõ phương hướng lớn cho hợp tác hai nước.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của quan hệ Việt Nam - Mỹ, bởi nó phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tốt hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.