Chiều 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp mặt các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đến báo cáo về công tác đối ngoại nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.
Tham dự buổi gặp mặt có 85 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 26 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện được tiến cử, các lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Hội nghị Ngoại giao 32 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với ngành ngoại giao, mà còn với đội ngũ làm công tác đối ngoại ở ban, bộ, ngành trung ương và địa phương.
Hội nghị Ngoại giao lần này rất vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tham dự và phát biểu chỉ đạo, đánh giá công tác thời gian qua và định hướng trọng tâm công tác thời gian tới cho ngành ngoại giao.
Hội nghị lần này còn là dịp để ngành ngoại giao trao đổi một số chủ đề lớn, quan trọng về đối ngoại để đóng góp vào tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đối ngoại của thời kỳ Đổi mới.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng những thành tựu quan trọng của ngành ngoại giao vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời gian qua, trong đó có những đóng góp có ý nghĩa của mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ tịch nước nhấn mạnh lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao những đóng góp của đối ngoại, cho đây là một “điểm sáng tiêu biểu” trong những thành tựu chung của đất nước thời gian qua.
Người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết của Đại hội 13, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng mang tính chỉ đạo, định hướng chiến lược cho công tác đối ngoại. Khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác chủ chốt được nâng lên tầm cao mới; tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả, vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế được tăng lên.
Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước đã chủ trì nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, tiếp xúc với lãnh đạo của nhiều nước. Qua các cuộc tiếp xúc, có thể cảm nhận được vai trò và vị thế mới của đất nước, sự coi trọng của các nước đối với Việt Nam.
Tầm nhìn phải rộng, suy nghĩ phải sâu
Các thành tựu này có được trước hết là từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời còn có yếu tố quan trọng là sự tham mưu và tổ chức triển khai hiệu quả, chất lượng của ngành ngoại giao, trong đó có đóng góp rất lớn của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ tịch nước đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đòi hỏi cán bộ ngoại giao phải tiếp tục nâng tầm để đáp ứng yêu cầu mới này.
Các Trưởng Cơ quan đại diện phải bám sát nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại thời gian tới, cần xác định củng cố quan hệ chính trị, kinh tế là trọng tâm và khai mở lĩnh vực tiềm năng là đột phá, triển khai tốt công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, nâng tầm đối ngoại đa phương. Trưởng Cơ quan đại diện phải nắm chắc tình hình địa bàn, “tầm nhìn phải rộng, suy nghĩ phải sâu”, kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước về tình hình sở tại và quan hệ giữa hai nước.
Cần làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân theo đường lối của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ kiều bào hội nhập tốt vào sở tại, có địa vị kinh tế, địa vị pháp lý vững chắc; thúc đẩy hòa hợp dân tộc, để những người Việt Nam yêu nước dù ở địa bàn nào, hoàn cảnh nào cũng có thể hiện lòng yêu nước, đóng góp cho đất nước.
Với vai trò mở đường, ngoại giao cần vừa tích cực, chủ động tham gia vào thỏa thuận quốc tế, mở rộng hợp tác vừa góp phần thúc đẩy cải cách trong nước, thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ vướng mắc tham mưu và kiến nghị thực hiện có hiệu quả thỏa thuận song phương và đa phương.
Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ về bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong, kiến thức, kỹ năng đối ngoại, kịp thời khắc phục hạn chế, tồn tại, vững vàng về tư tưởng, nhạy bén về thời thế, linh hoạt trong hành động.
Chủ tịch nước cho rằng bằng sự tự tin về lý luận, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, chế độ chính trị của đất nước và mục tiêu, khát vọng đi tới của dân tộc, ngành ngoại giao sẽ phát huy tốt vai trò tiên phong, đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ủng hộ ngành ngoại giao thực hiện thành công sự nghiệp đối ngoại cao cả, kế thừa truyền thống vẻ vang, nêu cao đoàn kết, giữ vững bản lĩnh, nâng tầm trí tuệ, đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo và mạnh mẽ đột phá, hoàn thành tốt những trọng trách.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao quyết định phong hàm Đại sứ cho 20 nhà ngoại giao là lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng các Đại sứ được phong hàm lần này; khẳng định đây là chức danh ngoại giao cao quý nhất, thể hiện sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp của các cá nhân trong công tác đối ngoại.
Bộ trưởng Ngoại giao: Thế và lực nước ta đã khác nên địa phương cần tâm thế mới