Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội thảo; cùng dự còn có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường và các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao. Đây là tiền đề rất quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có chiến lược, sách lược phù hợp với tình hình mới, nhằm tăng cường tiềm lực sức mạnh quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận với nhiều nội dung phong phú, hàm lượng khoa học cao, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng về “Lý luận - Thực tiễn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Có gần 80 bản tham luận được gửi đến và nhiều tham luận được trình bày tại hội thảo.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dựng nước với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển tất yếu, bài học truyền thống quý báu của ông cha ta trong lịch sử dân tộc. Tuân thủ quy luật và kế thừa bài học truyền thống đó, Đảng ta đã vận dụng, phát triển thành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạnh là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, trong đó bảo vệ Tổ quốc là điều kiện, tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hội nghị cũng đánh giá trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó dự đoán.
Theo Chủ tịch nước, thời gian qua và đặc biệt tới đây, các nước đều điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới.
Các hình thức chiến tranh mới đặt ra những thách thức mới với hòa bình, ổn định trên thế giới, khu vực và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, nhất là các nước nhỏ đang phát triển.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại đã thay đổi cơ bản tổ chức quân đội và hình thái phương thức tiến hành chiến tranh. Đặc biệt, sự ra đời của chiến tranh mạng đã tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh thế giới. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, khủng bố ngày càng phức tạp…
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI trong bối cảnh đó, về tổng thể, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội, Công an đã tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết.
Thành tựu cơ bản, bao trùm là đã luôn giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng XHCN; giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước. Coi trọng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Điều đó phản ánh sức mạnh toàn diện của đất nước cả thế và lực, nói lên tiềm lực, khả năng và sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong điều kiện lịch sử mới.
Từ đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phải luôn giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị; tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc được coi là giải pháp nền tảng đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu, liên quan trực tiếp đến lợi ích cốt lõi quốc gia - dân tộc, là vấn đề hệ trọng cấp thiết để bảo vệ Tổ quốc hiện nay, sinh mệnh và sự sống còn của Đảng, Nhà nước và Tổ quốc Việt Nam XHCN”, Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước cho rằng, cần kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, trong đó nội lực là nhân tố quyết định; đồng thời, tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi và nguồn lực từ bên ngoài.