Ông Cao Tường Huy là một trong số nhiều công dân Quảng Ninh, trong đó có nhiều thầy thuốc, thực hiện điều này tại lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người” tại tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết hằng năm, địa phương này có gần 1.000 bệnh nhân đang chạy thận, lọc máu chu kỳ. Khoảng 30% trong số này là bệnh nhân suy thận giai đoạn III, IV, V có chỉ định ghép thận.
“Nguồn hiến tạng từ người chết não là cơ hội có ý nghĩa rất nhân văn, là mong mỏi của nhiều bệnh nhân”, ông Diện nhấn mạnh.
Vì vậy, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ngoài những nỗ lực của ngành y tế, để triển khai thành công kỹ thuật ghép tạng, không thể thiếu sự ủng hộ, đồng hành của người dân trong việc hiến mô, tạng để ngành có một danh sách ý nghĩa, giúp bệnh nhân, giúp bác sĩ có thể cứu sống bệnh nhân trong lúc nguy cấp. Đây cũng là ý nghĩa của việc thành lập Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó, đầu tháng 4, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước có bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện lấy tạng từ người cho chết não. Khoảng 120 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia vào các quy trình chuẩn bị, phẫu tích, bảo quản và vận chuyển tạng.
Số tạng lấy được từ người cho chết não được chuyển tới nhiều trung tâm ghép tạng, xa nhất là tới Bệnh viện Trung ương Huế. Chiều 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Bệnh viện Trung ương Huế thăm, động viên 3 bệnh nhân được ghép tạng từ người hiến tạng chết não ở Quảng Ninh. Người đứng đầu Chính phủ cũng gửi thư tri ân gia đình người hiến tạng và khen ngợi gần 120 nhân viên y tế sau thành công của ca ghép tạng cứu sống 7 người.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, tỷ lệ đăng ký hiến tạng trong người dân Việt Nam là 0,013/1 triệu dân, xếp thứ 3 từ dưới lên trên bản đồ đăng ký hiến mô, tạng thế giới.
Với nhiều trường hợp, ghép tạng là biện pháp cuối cùng cứu sống bệnh nhân. Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Việt Nam hiện có 25 đơn vị được cấp phép lấy, ghép tạng, trải dài từ Bắc tới Nam. Tính đến hết tháng 3/2024, sau hơn 30 năm, hơn 8.000 người được ghép tạng, nhiều nhất là ghép thận, tim, gan, phổi, ruột… Hai năm qua, mỗi năm, Việt Nam đã ghép hơn 1.000 trường hợp, đứng số 1 Đông Nam Á về số lượng ca ghép/năm.
Tuy nhiên, 95% nguồn hiến tạng tại Việt Nam từ người sống, ngược lại với thực trạng của các nước và ngược lại với xu hướng phát triển trên thế giới. Chính vì vậy, việc phát triển nguồn hiến tạng đặc biệt là nguồn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim, phát triển bệnh viện hiến tạng trên toàn quốc là việc làm thiết thực đem lại lợi ích lớn cho xã hội.
Số người đăng ký hiến tặng mô, tạng đã tăng trong các năm gần đây với hơn 86.000 người đã đăng ký (riêng năm 2023 có 17.000 người đăng ký).