Tại Việt Nam, Luật Hiến ghép mô tạng ra đời năm 2006 nhưng chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não, chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim. Đây là thông tin do PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, cung cấp tại hội thảo Hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam diễn ra ngày 29/2.
Theo các chuyên gia, người chết tim có thể hiến được phổi, thận, gan, tụy, các mô, giác mạc, xương, gân. Thế giới tận dụng các nguồn hiến tạng từ người sống và người chết. Với người chết có hai nguồn là nguồn chết tim và chết não. Còn tại Việt Nam, hiện 95% ca ghép tạng được tiến hành từ người cho sống, chỉ có 5% ca ghép từ người cho chết não, ngược với xu hướng thế giới.
Thực tế 20 năm qua, nhiều nước trên thế giới đã tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết tim. Tại Trung Quốc, hiến tạng được lấy từ 3 nguồn, gồm người chết não, chết tim và chết tim sau khi chết não. Tỷ lệ người hiến chết tim nhiều hơn chết não.
Cụ thể, năm 2015, Trung Quốc thực hiện 6.719 ca ghép thận, trong đó, 64% là thận hiến từ người sống; 19% thận hiến từ người chết tim sau chết não và 17% từ người hiến chết não. Nguyên nhân là hiến mô tạng từ người chết não còn nhiều tranh luận. Nhiều người Trung Quốc cho rằng khi tim chưa ngừng đập, bệnh nhân chưa thể chẩn đoán tử vong, gia đình chỉ đồng ý hiến tạng khi tim đã ngừng đập.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết tại đơn vị này, nhiều trường hợp không thể đánh giá được chết não vì trong quá trình thực hiện, bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn (chết tim).
“Mặc dù gia đình bệnh nhân đã ý hiến tạng nhưng do không có quy định trong luật nên chúng tôi không thể lấy tạng được từ người hiến chết tim, điều này rất lãng phí”, bác sĩ Nghĩa chia sẻ.
PGS Đồng Văn Hệ đề xuất nguồn tạng, mô được hiến từ người chết tim cần được cụ thể hóa để đưa vào Luật Hiến ghép mô tạng và xây dựng quy trình cụ thể. Ông cũng lưu ý cách thức, quy trình, tiêu chuẩn để chẩn đoán người chết tim rất khác so với quy trình chẩn đoán chết não.
Đồng tình với quan điểm ghép tạng từ người hiến ngừng tim hoặc ngừng tuần hoàn là một dạng hiến tạng mở rộng nhằm tận dụng tối đa những mô tạng còn chức năng để ghép, Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đề xuất bổ sung nguồn hiến từ người chết tim vào luật.
Tuy nhiên, việc bổ sung này cần đáp ứng điều kiện xây dựng hoàn chỉnh chặt chẽ các quy định về pháp lý, hành chính, tiêu chuẩn y khoa, tài chính - là cơ sở để phát triển hệ thống hiến, điều phối, ghép mô - tạng, bảo đảm tính minh bạch, công bằng.
Đánh giá việc chẩn đoán chết tim rất quan trọng, từ kinh nghiệm thực tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Thu cho rằng mấu chốt quan trọng trong ghép tạng từ người hiến ngừng tuần hoàn là thời điểm chẩn đoán tử vong.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết cần cân nhắc quy trình, tiêu chí kỹ thuật xác định chết tim cần làm nghiêm túc và cân nhắc kỹ lưỡng. Để xây dựng bộ tiêu chuẩn chết tim, Việt Nam nên tham khảo và áp dụng bộ tiêu chuẩn đã áp dụng trên thế giới.
“Lợi ích của việc có tạng đã quá rõ nhưng làm sao để có tiêu chí an toàn về pháp lý, thoải mái về tâm linh là điều chúng ta cần tiếp tục phải quan tâm”, bác sĩ Hùng nêu băn khoăn.
Việt Nam bắt đầu ghép tạng từ năm 1993. Sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, tính tới tháng 10/2023, cả nước đã thực hiện gần 8.000 ca ghép, song chỉ gần 500 ca được ghép từ nguồn tạng là người cho chết não, chết tim (tương đương gần 6%).
Mỗi năm Việt Nam chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, thuộc hàng thấp nhất thế giới, bằng 1/110 so với Hàn Quốc và 1/500 so với Tây Ban Nha. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong 5 năm, chỉ 107 người cho chết não hiến tạng, trên cả nước con số này là 154 người. Trong khi hàng nghìn người có tên trong danh sách chờ ghép tạng.